TS Phạm Duy Nghĩa: Sở hữu chung cư 50-70 năm là can thiệp vào quyền tài sản

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:09, 28/09/2022

TS Phạm Duy Nghĩa nêu quan điểm: miếng đất, căn hộ là tài sản. Phải quan tâm đến gốc của nó là “quyền tài sản”, “quyền tự do giao dịch”. Đừng làm nhiều cành xum xuê mà không để ý gốc. Sở hữu chung cư 50 hay 70 năm, như vậy là can thiệp vào quyền tài sản.

Sáng 28.9, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.

TS Phạm Duy Nghĩa – Trọng tài viên VIAC, giảng viên Đại học Fullbright cho rằng cần sửa luật thế nào để tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý cho các dự án bất động sản. Đồng thời, cần ưu tiên sửa những luật gì, sửa để đạt mục đích gì, về lâu dài nên làm như thế nào?

“Bây giờ mình sửa nhiều luật quá và làm như thế nào để ổn định? Liên quan tới thị trường bất động sản, chúng ta có hàng loạt luật: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, quy hoạch chi tiết Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và các luật liên quan, Luật Nhà ở (khoảng 230 điều); Luật Kinh doanh Bất động sản (khoảng 100 điều)… Làm thế nào để trong quá trình sửa luật thống nhất, tránh luật này chéo luật kia”, ông Nghĩa nêu.

nghia.jpg
Toàn cảnh Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Ảnh: Reatimes

Theo TS Phạm Duy Nghĩa: “Miếng đất, căn hộ là tài sản. Luật can thiệp đến tài sản nên người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm. Nếu đi vào càng chi tiết, càng sâu… chúng ta sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề. Nếu đi vào từng luật, chăm chú sửa từng luật thì nguy cơ không nhất quán, không hệ thống. Trên một lô đất xuất hiện nhiều tài sản, quyền tài sản khác nhau, nếu ta đăng kí riêng rẽ, sau này chùm tài sản đưa ra tranh chấp, tài sản phái sinh sẽ gây ra rủi ro vì sở hữu đa tầng không được quản lý nhất quán. Sở hữu chung cư 50 hay 70 năm, như vậy là can thiệp vào quyền tài sản. Vậy mục đích cuối cùng là gì, có phải an toàn hay khả năng lưu thông?”.

Theo ông Nghĩa, về quyền tài sản, không ai có thể cấm người dân mua. Nhưng tài sản đó có đảm bảo an toàn hay không lại thuộc về quyền quản lý. Ông Nghĩa cho rằng nên phân định rõ vấn đề quản lý hành chính và quyền tài sản của người dân, quyền thỏa thuận kinh doanh giữa doanh nghiệp và người mua nhà.

TS. Phạm Duy Nghĩa đề nghị phải quan tâm đến gốc của nó là “quyền tài sản”, “quyền tự do giao dịch” và ví von “Đừng làm nhiều cành xum xuê mà không để ý gốc, chi bằng tỉa bớt cho nhẹ càng”. Quyền của người dân nên quy định trong luật dân sự và không nên thay đổi.

“Chúng ta đừng nên vì mỗi luật riêng mà nên tổng thể, đi từ gốc, tỉa bớt cành… trong quy trình này, cố gắng tham vấn ý kiến đa chiều khác quyền tài sản của dân, quyền giao dịch của doanh nghiệp, không nên nay sửa, mai sửa”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là một vấn đề cần thiết phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.

Các vấn đề cần xác định rõ, một là thời hạn sử dụng đất đối với chung cư cao tầng, hai là thời hạn sử dụng nhà chung cư. Đất cho xây dựng nhà chung cư cũng không thể cấp vô thời hạn. Từ góc độ quản lý và quy định của pháp luật về xây dựng quy định về thời hạn sử dụng của công trình: Mọi công trình đều có khấu hao nhất định, hết thời hạn thì phải đập đi xây lại để bảo đảm an toàn;

“Về quyền sở hữu, nên chăng không dùng từ thời hạn sở hữu nhà chung cư và thay bằng thời hạn sử dụng nhà chung cư. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu”, ông Chung nói.

chung.jpg
Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội

Góp ý về chỉ định nhà đầu tư và hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, ông Chung cho hay theo quy định, tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Quy định này chưa thống nhất với Luật đất đai nên ở giai đoạn chủ trương thì chưa biết đất đó có được phép chuyển mục đích hay không để chấp thuận đồng thời.

Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 chỉ có một hình thức giao đất, cho thuê đất là thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Kể từ ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành đến nay, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở không thực hiện được.

Do đó, ông Chung kiến nghị thực hiện giữ nguyên Phương án 1 tại Điều 48 Sửa đổi Điều 22 và Điều 49 Sửa đổi điều 23 Luật là phù hợp, và Bổ sung thêm trường hợp Nhận chuyển quyền sử dụng đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại vào Điều 49.

Một vấn đề nữa là, nếu công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai không được kiểm soát chặt chẽ, việc tính giá đất không bảo đảm phù hợp với giá thị trường thì rất dễ lạm dụng và gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Do đó, cần sửa đổi quy định của Luật đất đai liên quan đến các phương pháp xác định giá đất khi Nhà nước giao đất cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư.

Hoài Lam