Bạn muốn trở thành ‘con tắc kè hoa’ hay luôn là chính mình’?
Văn hóa - Ngày đăng : 14:47, 28/09/2022
Vì vậy, có thể sẽ có ích nếu chúng ta xem xét thêm một đặc điểm tính cách khác để xem bạn có tán thành quan điểm đa chân tính hay không. Đặc điểm này được gọi là tính tự điều chỉnh và nó tập trung đánh giá xem chúng ta có khuynh hướng trung thành với một cách hành xử hay linh hoạt thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.
Bạn có khả năng tự điều chỉnh?
Để đánh giá mức độ tự điều chỉnh của bạn, hãy xem các nhận định sau: - Tôi dễ dàng bắt chước hành vi của người khác - Trong những tình huống khác nhau và với những người khác nhau, tôi thường có cách hành động rất khác nhau - Không phải lúc nào tôi cũng giống với những gì tôi thể hiện ra bên ngoài.
Nếu bạn hoàn toàn đồng ý với từng nhận định trên, có nhiều khả năng bạn là người có tính tự điều chỉnh cao. Điều đó có nghĩa là bạn rất chú ý đến cách mình cư xử trong các tình huống khác nhau và thay đổi hành vi cho phù hợp với môi trường xung quanh. Còn nếu bạn không đồng tình với từng nhận định trên, có lẽ bạn là người có khả năng tự điều chỉnh thấp. Một trong những nét đặc trưng nhất của bạn là bạn luôn là chính mình trong mọi tình huống. Bạn không tạo ra một phiên bản tính cách mới để thích ứng với hoàn cảnh cụ thể.
Hãy hình dung bản thân bạn là người có mức độ tự điều chỉnh thấp và đang có mối quan hệ với người có tính tự điều chỉnh cao. Theo quan điểm của bạn, người kia khá giống một con tắc kè hoa. Cô ấy xuất hiện như một con người khác trong những tình huống khác nhau - một quý cô công sở, một cô gái thích tiệc tùng, một người thích chơi với lũ trẻ - và điều đó khiến bạn bối rối. Và khi nhìn bạn, cô ấy cũng bối rối nhưng theo một kiểu hoàn toàn khác. Cô ấy thấy bạn là một người có cách hành xử bất biến và dễ đoán, và hiển nhiên chuyện này có ưu điểm của nó.
Nhưng sự bất biến đó có thể bị xem là nhàm chán và, tệ hơn, là quá cứng nhắc. Tại sao anh không thể linh hoạt và thích ứng với hoàn cảnh? Đó là một bữa tiệc tối! Sao anh không thể hòa vào không khí vui vẻ xung quanh và thoải mái một chút trong một buổi tối thay vì cứ liên tục nói về những lợi ích tài chính của mô hình thuế cố định?
Các nghiên cứu quy mô lớn đã chỉ ra rằng những người có tính tự điều chỉnh cao thường đạt được thành tích tốt trong một số lĩnh vực của cuộc sống, nhưng lại kém trong những lĩnh vực còn lại. Công việc là một trong những lĩnh vực mà họ có ưu thế. Nếu là người dễ thích nghi và có tính tự điều chỉnh cao, bạn có nhiều khả năng được thăng chức và đảm nhận các vị trí lãnh đạo hơn những người có mức độ tự điều chỉnh thấp trong công ty.
Một trong những lý do bạn xuất sắc trong công việc là vì bạn có thể đóng nhiều vai trò khác nhau để trở thành cầu nối giữa các nhóm và các liên minh khác nhau. Nhưng tổ chức của bạn cũng phải đối mặt với một rủi ro, đó là không giống như những người có tính tự điều chỉnh thấp vốn trung thành hơn với công ty, bạn có khuynh hướng đổi nơi làm việc nếu nhận được một lời đề nghị phù hợp hơn.
Như bạn có thể hình dung, sự thiếu cam kết này còn ảnh hưởng xấu đến một khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống chúng ta, đó là các mối quan hệ. So với người có mức độ tự điều chỉnh thấp, người có tính tự điều chỉnh cao thường có những mối quan hệ kém ổn định hơn.
Tuy nhiên, một người có khả năng tự điều chỉnh cao hoặc thấp không có nghĩa là họ chân thật hơn hoặc giả tạo hơn những người thuộc nhóm còn lại. Và đây chính là luận điểm mà tôi dùng để bẻ gãy những lời khuyên “hãy là chính mình”.
Cần có chiến lược linh hoạt
Mark Snyder, người khởi xướng thuyết tự điều chỉnh, cho rằng người có tính tự điều chỉnh thấp là người sống tuân thủ nguyên tắc, trong khi người có tính tự điều chỉnh cao thì khá thực tế. Tôi nghĩ nhận định này đúng một phần. Giả sử bạn là người có khả năng tự điều chỉnh thấp. Bạn tìm kiếm một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi bạn là ai và coi trọng những giá trị gì. Đây rõ ràng là một cách tiếp cận cuộc sống rất có nguyên tắc của bạn. Nhưng đồng thời nó cũng thực tế; nó giúp bạn không phải liên tục quyết định xem mình phải trở thành ai trong tình huống này hoặc vai trò kia, nhờ đó bạn được tự do thực hiện các công trình và nguyện vọng mà bạn coi trọng.
Còn nếu bạn là người có tính tự điều chỉnh cao? Vậy thì sự chú ý của bạn tập trung vào những đòi hỏi thiết thực của việc sống trong một thế giới phức tạp. Những đòi hỏi này bao gồm hòa hợp với những người khác nhau có những kỳ vọng khác nhau và nắm bắt những thời cơ khác nhau khi cần. Đó rõ ràng là tính thực tế.
Nhưng tôi nghĩ người có tính tự điều chỉnh cao cũng rất nguyên tắc trong một vài phương diện. Bạn có thể coi trọng tình bạn hoặc sự hài hòa, hoặc quan tâm đến nhu cầu của người khác. Và nếu trong quá trình này, bạn không thể thể hiện rõ hình ảnh một con người nhất quán thì bạn cũng thấy chẳng sao cả - thật ra, như vậy lại tốt hơn.
Tất nhiên, câu trả lời khả dĩ nhất là bạn không ở thái cực này hoặc thái cực kia. Trong một vài tình huống, bạn hòa hợp với con người mà bạn thể hiện, còn trong những tình huống khác, sự hòa hợp đó có thể nhạt nhòa hơn một chút. Thực tế, nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng tính tự điều chỉnh không cố định như một đặc điểm sinh học, mà nó linh hoạt như một nét tính cách tự do. Bạn áp dụng khả năng này khi nó giúp ích cho các công trình cá nhân của bạn.
Quan sát những thay đổi thất thường của hành vi theo cách này là rất quan trọng. Khi làm vậy, chúng ta không chỉ hiểu hơn về những con người (khó hiểu) xung quanh, mà còn được khuyến khích nhìn nhận chân tính theo một cách khác. Nếu tính nhất quán không phải lúc nào cũng là chuẩn mực đạo đức duy nhất và nếu hành vi không nhất quán có thể vừa mang tính nguyên tắc vừa thực tế, vậy thì chân tính không phải chỉ có một cách thể hiện.
Trên thực tế, chúng ta có nhiều cách thể hiện chân tính, và những cách thể hiện đó không phải là những đặc điểm cố định của con người, mà là những chiến lược linh hoạt để chúng ta tương tác với bản thân và thế giới.