Các nhà hoạt động môi trường kêu gọi 'phong tỏa' ngành nhựa châu Âu
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:03, 28/09/2022
Trong nghiên cứu công bố ngày 27.9, hai tổ chức kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “đối đầu” với đồ nhựa – vấn đề hệ trọng ngay trước mắt nhưng không được nói đến.
Mối liên hệ giữa dầu khí với nhựa
Có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và được sản xuất bằng quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, đồ nhựa trong vòng đời của mình luôn đồng hành với khí thải. Giai đoạn 1950 - 2020, sản lượng nhựa châu Âu tăng từ 0,35 lên 55 triệu tấn. Ngành nhựa là thị trường lớn nhất của công nghiệp hóa dầu EU.
Nghiên cứu do Break Free From Plastic và CIEL thực hiện cho biết trong năm 2020, gần 15% lượng khí đốt cùng 14% lượng dầu EU tiêu thụ được dùng cho sản xuất sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ (chất dẻo, cao su tổng hợp, vinyl, polystyrene, teflon,…). Lượng khí đốt dùng sản xuất nhựa bằng tổng lượng khí đốt Hà Lan tiêu thụ.
Các nước dùng nhiều dầu khí sản xuất nhựa nhất là Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Hà Lan và Ba Lan tạo ra 77% tổng lượng rác thải bao bì nhựa của EU.
Điều phối viên Break Free From Plastic Delphine Levi Alvares nhận định, trong bối cảnh rác thải nhựa tràn ngập và khủng hoảng năng lượng trầm trọng, không đưa ngành hóa dầu vào chương trình tiết kiệm khí đốt cho mùa đông mà EU đang triển khai là sơ suất lớn.
“Khi hộ gia đình cùng doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt, ngành hóa dầu lại đang lãng phí các nguồn tài nguyên khan hiếm để sản xuất đồ nhựa dùng một lần không cần thiết khiến khủng hoảng năng lượng thêm trầm trọng”, theo bà Alvares.
“Phong tỏa” ngành nhựa?
Nhà hoạt động khí hậu Andy Gheorghiu chỉ trích người dân châu Âu bị yêu cầu tắm nước lạnh và sưởi ấm ít đi để dành ra lượng lớn dầu khí “nuôi” ngành hóa dầu cùng ngành nhựa. Ông nhấn mạnh, giảm sản xuất đồ nhựa dùng một lần mang lại cơ hội giải quyết cả ba cuộc khủng hoảng: khủng hoảng nhựa, khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng năng lượng.
Break Free From Plastic và CIEL đưa ra nhiều khuyến nghị gồm đặt giới hạn lượng bao bì sản xuất ra thị trường thấp hơn trước, đặt giới hạn lượng nhựa sản xuất toàn cầu, ngừng xây dựng hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới kể cả cơ sở hóa dầu, đặt mục tiêu tái sử dụng bắt buộc là 50% vào năm 2030 và 80% vào năm 2040, cấm bao bì không cần thiết như túi nhỏ dùng một lần hay gói trái cây rau củ.
Nhưng nhà hoạt động Gheorghiu kêu gọi “phong tỏa” ngành nhựa châu Âu. Ông muốn ngừng ngay hoạt động sản xuất nhựa nguyên sinh, xem xét kỹ trên quy mô toàn lục địa nhằm thẩm định xem số đồ nhựa sản xuất ra có thiết yếu hay không.
Dù đã thực hiện vài biện pháp chẳng hạn như cấm một số đồ nhựa dùng một lần, tìm cách đạt một thỏa thuận quốc tế về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng châu Âu chưa làm gì để ngừng hoạt động sản xuất nhựa nguyên sinh cả.
Châu Âu chìm vào khủng hoảng năng lượng vì Nga giảm cung cấp năng lượng bởi trừng phạt và đáp trả trừng phạt phương Tây áp đặt vì cuộc chiến tại Ukraine. Người dân EU phải trả chi phí năng lượng cao hơn, các nước thành viên đang chật vật tích trữ năng lượng dùng trong mùa đông lạnh giá sắp tới.