Khi nào thanh tra EC sang Việt Nam xem xét gỡ 'thẻ vàng' hải sản?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:40, 28/09/2022
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn) cho biết đã rà soát thực hiện quy định IUU để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG MARE).
Theo đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc, khẩn trương rà soát, cập nhật đầy đủ thủ tục nội bộ thực hiện kiểm soát nguyên liệu đáp ứng IUU, phân công thực hiện quy định nội bộ IUU và đặc biệt là phải chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra. Mọi công tác chuẩn bị hoàn thành trước ngày 15.10 tới.
Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, dự kiến từ ngày 20 - 28.10, đoàn thanh tra của DG MARE sẽ sang Việt Nam lần thứ 3 để kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện chống khai thác IUU theo khuyến nghị của đoàn tại đợt kiểm tra vào tháng 11.2019. Đây là lần thứ 3 Ủy ban châu Âu (EC) cử người sang Việt Nam kiểm tra nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" cho hải sản Việt Nam.
Đợt thanh tra lần này có tính chất quan trọng trong việc EC xem xét gỡ bỏ "thẻ vàng" sau gần 5 năm hoặc áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Do vậy, Cục đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp chủ động, ưu tiên nguồn lực để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Cục khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng quy định IUU đảm bảo được thực hiện trong toàn chuỗi. Trong đó, đối với nguyên liệu khai thác trong nước phải có biên bản bốc dỡ tại cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu.
Còn đối với nguyên liệu từ tàu khai thác/tàu trung chuyển/tàu đóng container nhập khẩu phải có hồ sơ nhập khẩu, biên bản kiểm tra của cơ quan nhà nước, các chứng nhận/xác nhận của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, các thông tin về tàu khai thác, tàu chế biến, cơ sở xuất khẩu nhằm phục vụ cho việc kiểm soát nguyên liệu đáp ứng IUU trước khi nhập khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tính toán và công bố đầy đủ các định mức sản xuất tương ứng với các sản phẩm thủy sản khai thác được sản xuất tại doanh nghiệp để dễ dàng theo dõi, thực hiện quản lý. Đồng thời cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tách biệt từ bảo quản đến đưa vào sản xuất giữa nguyên liệu khai thác trong nước và nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo chống lẫn lộn trong việc tổ chức sản xuất.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng yêu cầu thực hiện rà soát, sắp xếp hồ sơ đầy đủ với các lô hàng xuất khẩu thủy sản khai thác vào EU từ năm 2020 đến nay, đảm bảo lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu và nguồn gốc nguyên liệu khai thác trong nước theo chuỗi và khớp nối với hồ sơ theo dõi nguyên liệu khai thác từ các cơ quan quản lý.
Trước đó, vào ngày 23.10.2017, EC đã quyết định phạt "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam vi phạm các nguyên tắc trong chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.
Đến tháng 5.2018 và tháng 11.2019, hai đoàn công tác của EC đã sang Việt Nam để làm việc, kiểm tra về tình hình triển khai các biện pháp khắc phục vấn đề nêu trên, dù đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn khai thác IUU, nhưng đến nay EC vẫn chưa gỡ "thẻ vàng" cho hải sản Việt Nam.