Sau 2 năm, tỷ phú Mã Hóa Đằng mới giải thích tầm nhìn tương lai internet của Tencent

Thế giới số - Ngày đăng : 22:55, 28/09/2022

Tencent Holdings cuối cùng giải thích rõ ý nghĩa của thuật ngữ “nhập vai hội tụ”, hai năm sau khi nhà sáng lập Mã Hóa Đằng nêu ra khái niệm này và gọi nó là tương lai của internet.
sau-2-nam-ty-phu-ma-hoa-dang-giai-thich-tam-nhin-tuong-lai-internet-cua-tencent.jpg
Tỷ phú Mã Hóa Đằng, người sáng lập và Giám đốc điều hành Tencent Holdings - Ảnh: Bloomberg

Tỷ phú Mã Hóa Đằng lần đầu tiên đặt ra thuật ngữ này (còn được gọi là internet quanzhen) trong tài liệu quảng cáo hàng năm của Tencent Holdings vào năm 2020. Khi đó, ông định nghĩa nó là “làn sóng nâng cấp tiếp theo sau thập kỷ đầu tiên của internet di động và giải pháp để ươm mầm một hệ sinh thái công nghiệp mới, định hình một lối sống mới thông qua sự liên kết của thế giới thực và ảo”.

Rất ít người hiểu thuật ngữ trên có nghĩa là gì và ông Mã Hóa Đằng không giải thích thêm, cho đến khi gã khổng lồ internet Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến xuất bản một sách trắng trong tuần này cùng công ty tư vấn Accenture.

Giám đốc điều hành Tencent cho biết: “Cánh cửa dẫn đến tương lai của nhập vai hội tụ đang mở ra với những đột phá liên tục trong công nghệ phần mềm và phần cứng, chẳng hạn như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và thực tế mở rộng. Tencent đã là người kết nối từ kỷ nguyên máy tính cá nhân đến kỷ nguyên internet di động và chúng tôi hy vọng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao thế giới thực trong hành trình nhập vai hội tụ”.

Không giống khái niệm về metaverse (hình dung một thế giới ảo sống động, nơi người dùng có thể tương tác thông qua các đại diện kỹ thuật số của chính họ), nhập vai hội tụ tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp hơn là người tiêu dùng. Các ứng dụng mẫu bao gồm dịch vụ Tencent Meeting giống Zoom, các nhà máy kỹ thuật số và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực tài chính.

Những ví dụ khác bao gồm các công nghệ cho phép nhân viên vận hành phương tiện và máy móc từ xa ở những vị trí nguy hiểm tiềm ẩn như mỏ than và cảng, cùng những công nghệ giúp quản lý nhà máy theo dõi và đưa ra quyết định tốt hơn dựa trên dữ liệu thu thập được trong quá trình sản xuất, theo sách trắng.

Tencent nói nhập vai hội tụ có thể giúp "giải quyết các vấn đề thực tế trong các tình huống thực tế", cho thấy công ty đang tập trung vào các ứng dụng thương mại với công nghệ của mình.

Việc Mã Hóa Đằng lý giải khái niệm mơ hồ diễn ra khi các hoạt động kinh doanh của Tencent từ video game đến quảng cáo bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang gặp khó khăn và những bất ổn về quy định. Công ty đã ghi nhận sự sụt giảm doanh thu trong quý 2/2022 với biên chế giảm xuống còn 5.500 nhân viên.

Vẫn là công ty internet có giá trị cao nhất của Trung Quốc, Tencent đã chuyển nhượng phần lớn cổ phần của mình trong nền tảng thương mại điện tử JD.com cho các cổ đông vào năm ngoái, nhưng gần đây phủ nhận các báo cáo trên phương tiện truyền thông rằng họ phải chịu thêm áp lực để giảm danh mục đầu tư.

Giá cổ phiếu Tencent tại Hồng Kông hiện giảm hơn 60% so với mức đỉnh vào đầu năm 2021.

sau-2-nam-ty-phu-ma-hoa-dang-giai-thich-tam-nhin-tuong-lai-internet-cua-tencent1.jpg
Trụ sở chính của Tencent ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - Ảnh: Reuters

Cách đây nửa tháng, trang SCMP đưa tin Tencent Holdings và ByteDance là hai công ty được xếp hạng hàng đầu thế giới về doanh thu từ ứng dụng trong nửa đầu năm 2022.

Điều này chứng minh rằng Big Tech (hãng công nghệ lớn) ở Trung Quốc vẫn nắm giữ sức mạnh thị trường toàn cầu bất chấp những khó khăn về quy định và suy thoái kinh tế trong nước.

Một ghi chú nghiên cứu của dịch vụ tình báo thị trường di động SensorTower cho thấy Tencent là hãng có thu nhập cao nhất trong số các nhà phát hành game và không phải game, đạt doanh thu khoảng 4,4 tỉ USD trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 nhờ vào các game ăn khách như Honor of Kings và PUBG Mobile.

ByteDance (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh) đứng thứ hai với 1,3 tỉ USD được tạo ra trong nửa đầu năm nay nhờ sự phổ biến của ứng dụng video ngắn nổi tiếng toàn cầu TikTok.

Trong mảng game, Tencent thu về 2,6 tỉ USD, chiếm gần 10% trong toàn bộ thị trường ứng dụng game trị giá 27 tỉ USD.

Dữ liệu từ SensorTower cũng cho thấy mức độ thống trị của các ông lớn trong thị trường game, với khoảng 1% những công ty top đầu (460 hãng) chiếm 93% tổng thị trường, khiến 46.000 công ty khác phải tranh giành 1,9 tỉ USD còn lại.

Báo cáo của SensorTower bao gồm 900.000 nhà sản xuất ứng dụng game và không phải game trên toàn thế giới. 1% những công ty top đầu có tổng cộng 72 tỉ lượt cài đặt toàn cầu trên Apple App Store và Google Play trong nửa đầu năm, chiếm 79% tổng số lượt cài đặt toàn cầu. 99% nhà xuất bản còn lại chia sẻ 21% lượt cài đặt ứng dụng còn lại.

Tuy nhiên khi 1% những công ty top đầu vẫn có ảnh hưởng lớn trong thế giới game di động, sự thống trị của họ đã suy yếu trong 3 năm qua, theo Justin Cruz, nhà phân tích thông tin chi tiết về thiết bị di động tại SensorTower.

Cùng với xu hướng đó là sự sụt giảm trong việc áp dụng ứng dụng dành cho thiết bị di động và chi tiêu của người tiêu dùng, do lạm phát toàn cầu và thảm họa kinh tế khiến các công ty như Netflix và ByteDance đa dạng hóa thị trường game, SensorTower cho biết.

Riêng biệt, sự kiểm tra kỹ lưỡng về quy định và việc phê duyệt giấy phép không thể đoán trước cho các tựa game mới tại thị trường quê nhà buộc các nhà phát triển game Trung Quốc phải tìm cơ hội ở nước ngoài.

Ví dụ, Tencent đã tăng cổ phần thiểu số của mình trong Ubisoft (nhà phát triển game Pháp), trong khi NetEase mua lại Quantic Dream (hãng phát triển game đa quốc gia của Pháp) vào tháng trước sau khi cả hai công ty không nhận được sự chấp thuận từ Bắc Kinh cho các tựa game mới.

Sơn Vân