Đại dịch COVID-19 có thể làm thay đổi tính cách con người
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:35, 29/09/2022
Trước đây, các nhà tâm lý học đã không tìm ra mối liên hệ nào giữa các sự kiện thiên tai lớn chẳng hạn như động đất hoặc bão và sự thay đổi tính cách. Tuy nhiên, nỗi mất mát khi mất người thân vì COVID-19 hoặc đơn giản hơn là sự giãn cách xã hội kéo dài dường như đã tác động đến tính cách con người.
"Những người trẻ tuổi trở nên ủ rũ và dễ bị căng thẳng hơn, kém hợp tác và thiếu sự tin tưởng. Họ cũng ít kiềm chế và có trách nhiệm hơn", theo các tác giả của nghiên cứu do giáo sư Angelina Sutin thuộc Đại học Y khoa bang Florida (Mỹ) dẫn đầu cho biết.
Sutin và đồng nghiệp đã sử dụng các đánh giá về tính cách từ 7.109 người có độ tuổi từ 18 - 109 đăng ký tham gia Nghiên cứu Hiểu về nước Mỹ trực tuyến đã được tiến hành vào nhiều thời điểm khác nhau trước và trong đại dịch COVID-19. Những người tham gia đã được thực hiện một bài kiểm tra tính cách được sử dụng rộng rãi để đo 5 đặc điểm gồm mức độ nhạy cảm, hướng ngoại, cởi mở, dễ chịu và tận tâm.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch từ tháng 3 - 12.2020, tính cách của họ tương đối ổn định, chỉ có một chút suy giảm về mức độ nhạy cảm so với trước đại dịch. Nghiên cứu cho thấy sự suy giảm mức độ nhạy cảm đã biến mất vào nửa sau của đại dịch (2021-2022), và được thay thế bằng sự giảm sút về tính cách hướng ngoại, cởi mở, dễ chịu và tận tâm so với trước đại dịch. Những người trẻ tuổi cho thấy những thay đổi lớn nhất và nhóm người lớn tuổi nhất không có những thay đổi đáng kể về đặc điểm này.
Theo các tác giả, tính cách có xu hướng dễ thay đổi hơn ở những người trẻ tuổi và đại dịch cũng có thể có tác động tiêu cực hơn đến nhóm tuổi này.
Sutin cho biết: "Mặc dù đại dịch gây căng thẳng cho tất cả mọi người, nhưng nó ảnh hưởng nhiều nhất đến lứa tuổi thanh niên. Họ không thể đến trường, đi làm cũng như phát triển các mối quan hệ. Đó là sự suy đoán vì chúng tôi không đo đếm được lý do dẫn đến sự thay đổi, nhưng biện pháp giãn cách xã hội có thể có tác động lớn đến những người trẻ tuổi vì những hoạt động trên rất quan trọng đối với nhóm tuổi này".
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi để xem liệu sự thay đổi tính cách là tạm thời hay lâu dài.
Giáo sư Wiebke Bleidorn, nhà tâm lý học tại Đại học Zurich (Đức), người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Cách giải thích duy nhất cho điều này là những hoạt động thường ngày không được diễn ra sẽ khiến sự phát triển bị trì trệ".