Tái tạo thành công khuôn mặt thiếu nữ thời kỳ đồ đá cách đây 31.000 năm

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:18, 29/09/2022

Các nhà khoa học Cộng hòa Czech đã tái tạo thành công khuôn mặt của một thiếu nữ thời kỳ đồ đá cách đây 31.000 năm.

Theo Live Science, vào năm 1881, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hộp sọ của một người chôn cất bên trong hang động ở Mladeč, ngôi làng thuộc Cộng hòa Czech ngày nay. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu xác định niên đại của hộp sọ khoảng 31.000 năm và phân loại đó là nam giới.

Tuy nhiên nghiên cứu mới nhất đã xác nhận kết quả ban đầu nhầm lẫn, đây là hộp sọ của một cô gái khoảng 17 tuổi và được đặt tên là Mladeč.

Hơn 140 năm sau, các nhà nghiên cứu đã sửa chữa sai sót đó, tiết lộ rằng cô gái này sống trong thời kỳ Aurignacian (khoảng 43.000 đến 26.000 năm trước), một phần của thời kỳ đồ đá cũ, là một trong những người Homo sapiens cổ nhất được tìm thấy ở châu Âu.

Nhóm nghiên cứu đã công bố những phát hiện của mình trực tuyến có tên "Phương pháp tiếp cận khuôn mặt pháp y đối với hộp sọ Mladeč 1" trình bày chi tiết cách các nhà khoa học phân loại lại giới tính của "một trong những người Homo sapiens cổ nhất được tìm thấy ở châu Âu".

Chuyên gia đồ họa pháp y người Brazil Cicero Moraes, thành viên nhóm nghiên cứu, nói với Live Science: “Khi hộp sọ được phân tích riêng lẻ, các đặc điểm chỉ ra đó có thể là một nam giới. Nhưng khi các bước nghiên cứu sau đó so sánh hộp sọ với những mẫu vật khác được tìm thấy cùng địa điểm, bằng chứng chỉ ra đó phải là một phụ nữ".

Việc phục dựng khuôn mặt này đã được các nhà khoa học thử trong những năm 1930 nhưng chưa thành công vì các hạn chế về công nghệ. Sử dụng thông tin thu thập được từ cuộc khai quật thế kỷ 19, kết hợp với tái tạo khuôn mặt pháp y dựa trên dữ liệu quét 3D của hộp sọ, Moraes và nhà khảo sát Jiří Šindelář, cùng Karel Drbal - Phó giám đốc Cơ quan quản lý hang động của Cộng hòa Czech đã sử dụng phương pháp quét CT, chụp cắt lớp vi tính để tái tạo lại hộp sọ và khuôn mặt của thiếu nữ này.

“Chúng tôi tái tạo lại khuôn mặt bằng cách sử dụng dữ liệu thống kê về mức trung bình và dự đoán từ khoảng 200 ảnh chụp CT của người hiện đại, cùng dữ liệu từ các cuộc khai quật khảo cổ học thuộc nhóm dân cư khác nhau bao gồm cả người châu Âu, châu Phi và châu Á. Điều này cho phép chúng tôi có được những vùng bị thiếu trên khuôn mặt người", Moraes cho biết.

khao-co-2.jpg
Các nhà nghiên cứu mô phỏng hộp sọ bằng công nghệ 3D - Ảnh: Live Science

Sau khi họ có một hình ảnh kỹ thuật số hoàn chỉnh của hộp sọ, Moraes đã "đắp" từng lớp mô mềm lên hộp sọ được tái hiện 3D trong máy tính. Để giúp bổ sung dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã "nhập ảnh chụp CT của các đối tượng sống và làm biến dạng xương và mô mềm từ quá trình chụp CT để khớp với hộp sọ thời kỳ đồ đá".

"Trong trường hợp của hóa thạch Mladeč 1, chúng tôi đã làm biến dạng hai bức ảnh chụp CT, một của một người đàn ông và một của một người phụ nữ, và cả hai kết hợp với một kết quả rất giống nhau… Chúng tôi tạo ra khuôn mặt trung lập theo truyền thống, trình bày các tác phẩm cho chuyên gia. Xu hướng bây giờ sẽ là đưa ra hai cách tiếp cận tác phẩm, một cách khoa học hơn và đơn giản hơn là người đó nhắm mắt, không có tóc và cách khác mạo hiểm hơn là tạo ra một khuôn mặt có màu với lông và tóc”, Moraes nói.

khao-co-1.png
Khuôn mặt của thiếu nữ 17 tuổi của 31.000 năm trước được tái tạo hoàn chỉnh - Ảnh: Live Science

Mặc dù việc các nhà khảo cổ học phân loại lại giới tính của hài cốt người không phổ biến lắm, nhưng nó vẫn xảy ra. Trường hợp tương tự xảy ra với một bộ xương phát hiện ở Brazil, được gọi là hoá thạch Zuzu. “Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là một phụ nữ, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ thì phát hiện ra đó thực sự là một nam giới”, Moraes cho hay.

Trong một trường hợp khác, các nhà nghiên cứu phân tích một người Viking chôn cùng vũ khí ở Thụy Điển và phân loại đó là nam nhưng kết quả cuối cùng tiết lộ đó là một người phụ nữ.

Ngoài hộp sọ của thiếu nữ 17 tuổi có niên đại 31.000 năm nói trên, các nhà khảo cổ còn phát hiện thêm các đồ vật khác tại khu chôn cất thời kỳ đồ đá bao gồm đồ tạo tác bằng đá, đầu xương và một số chiếc răng. Tuy nhiên, ít người biết thông tin về người phụ nữ trẻ chôn cất ở đó.

Hoàng Vũ