Triều cường ở Tiền Giang ở mức báo động là điều đáng ngại

Sự kiện - Ngày đăng : 18:29, 29/09/2022

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường đại học Cần Thơ cho biết, hiện nay mực nước ở các sông ở ĐBSCL tăng lên, nếu ở Tiền Giang triều cường tăng cao sẽ ảnh hưởng đến mực nước các tỉnh trong vùng.

Hiện nay, triều cường tại tỉnh Tiền Giang ở mức báo động 3. Nếu triều cường kết hợp với mưa to do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 có nguy cơ gây ngập úng. Do đó, đơn vị khai thác thủy lợi đã tích cực vận hành hệ thống cống đập theo hướng vừa ngăn triều cường vừa tiêu thoát nước mưa.

Mấy ngày gần đây, đỉnh triều cường trên hệ thống sông rạch ở địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng ở mức báo động 3. Cụ thể nước trên sông Tiền tại cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè ) ở mức 1.8mm- 1.9mm. Tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đạt mức 1.72mm, tại TP.Mỹ Tho mức 1.6mm. Riêng lượng mưa trong những ngày qua tuy không to lắm nhưng xảy ra liên tục ở mức mưa vừa. Chính điều này cũng góp phần đẩy mực nước dân cao.

z3759920563267_aff02723c6773b223aea46f540f54f11.jpg
Triều cường ở Tiền Giang đang ở mức báo động 3 - Ảnh: Mỹ Tho

Để đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp nhất là hoa màu, cây ăn trái ở các vùng trũng, Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang đã tổ chức vận hành 183 cống đập theo hướng tích cực, không để xảy ra ngập úng.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc công ty TNHHMTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết: “Hiện tại ngay đợt triều cường, chúng tôi có kế hoạch đối phó. Mưa bão khu vực ngọt hóa Gò Công như cống Vàm Giồng, Xuân Hòa chúng tôi đã đóng kín. Xả tất cả các cống ven biển để tháo rửa, giữ mực nước vừa đủ. Cống Bảo Định (TP.Mỹ Tho) chủ yếu xả ra, lấy nước vào chỉ có 1 cửa để giảm bớt áp lực ngập TP.Mỹ Tho khi có triều cường lên. Cống Gò Cát thì tháo một chiều. Khu vực các huyện phía Tây, các cống đóng hết để ngăn triều cường, chỉ tháo các cống nhỏ còn các cống lớn đóng hết. Mùa mưa bão thì chúng tôi giữ mức nội đồng ở mức độ hạn chế (mức thấp) để phòng ngừa mưa trút xuống. Hiện giờ chưa có ngập úng cục bộ vì trước đó đã xổ xả nước thường xuyên. Với cơn bão số 4 các ngành chức năng đã dự báo trước nên tình hình không bị động”.

Tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang trong tuần qua nước có dâng cao nhưng tình hình lũ lớn vẫn chưa xuất hiện. Lý do, nước sông trên thượng nguồn Cửu Long vẫn giữ mức an toàn. Tại TP Cần Thơ, vào những ngày đầu tháng 9 âm lịch, một vài tuyến đường nước có dâng lên nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Tại An Giang, trong tuần qua nước ở đầu nguồn vẫn còn ở mức bình thường. Giới sống bằng nghề chài, lưới, câu, đăng, đó... đang đỏ mắt chờ lũ. Tuy nhiên, khi nước sông Tiền vượt nước báo động 3. Giới khoa học bắt đầu cảnh báo.

z3759921537012_d22973f974e79822bd59fac4e071721f.jpg
Nhiều vùng màu ở Tiền Giang nông dân cố giữ nước không để ngập úng - Ảnh: Mỹ Tho

Theo PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường đại học Cần Thơ, cho đến thời điểm này, lũ lớn ở ĐBSCL vẫn chưa xảy ra. Nước ở thượng nguồn sông Cửu Long đổ về ở mức độ  hơn bình thường nhưng chưa xảy ra lũ lớn. Nếu ở Tiền Giang nước sông lên nhanh, triều cường ở mức độ báo động, sẽ có ảnh hưởng đến mực nước ở các tỉnh ĐBSCL. Mực nước ở Tiền Giang tăng cao do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 4, mưa nhiều. Triều cường tăng lên ở các tỉnh ĐBSCL chủ yếu do nước ngoài biển tăng cao, áp lực nước sông các tỉnh trong vùng cũng sẽ tăng theo.

Mỹ Tho- Văn Kim Khanh