TP.HCM đã hết vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ hơn 10 ngày qua
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:40, 29/09/2022
Dù đến nay đã 10 ngày TP.HCM hết vắc xin tiêm phòng COVID-19 cho trẻ và được thông báo cho Bộ Y tế nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Do đó hiện nay, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ ở TP đang thực hiện một cách nhỏ giọt nhờ nguồn vắc xin điều chuyển từ tỉnh Đồng Nai với 13.700 liều. Từ đầu tuần đến nay, TP gần như không còn tiêm vắc vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, đến thời điểm này, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 3 mới đạt 34,6%, thấp hơn trung bình cả nước (57,9%); trong khi trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mới có 62,4%, còn mũi 2 đạt 34,9%, thấp hơn trung bình cả nước (60,9%).
“Mặc dù TP đã thực hiện nhiều giải pháp để tiêm cho trẻ nhiều nhất, trong đó có mở chiến dịch cao điểm, tổ chức tiêm tại trường, tiêm ở điểm lưu động, thậm chí tổ chức xe tiêm lưu động để hỗ trợ các quận, huyện nhưng đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ vẫn còn thấp hơn nhiều so với cả nước là do nguyên nhân khách quan nguồn vắc xin cung cấp cho TP đã hết”, ông Tâm nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xử lý nguồn nhân lực y tế cơ sở đang bị thiếu, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, tình trạng thiếu nguồn nhân lực ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Để tăng cường nguồn nhân lực và “giữ chân” nhân viên y tế tuyến cơ sở, Sở Y tế đang triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, Sở Y tế đã đề xuất các chính sách đặc thù về củng cố tuyến y tế cơ sở, nâng cao năng lực của trạm y tế phường xã, thị trấn và đã được Hội đồng Nhân dân TP.HCM thông qua từ đầu tháng 4.2022. Sau khi triển khai các chính sách, bước đầu ngành y tế đã thu hút được 92 người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế, trong đó có 64 bác sĩ về hưu; 401 nhân viên bảo vệ và nhân viên vệ sinh tại trạm y tế, đồng thời đến nay đang có 279 bác sĩ đang tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế góp phần bổ sung thêm nhân lực chuyên môn y tế cho các trạm.
Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách tăng cường năng lực cho y tế tuyến cơ sở. Trước mắt, ngành y tế đã tổ chức gặp gỡ, giới thiệu với sinh viên sắp tốt nghiệp tại các trường đại học chuyên ngành y dược nhằm thu hút, tăng số lượng bác sĩ tham gia chương trình thực hành tại trạm y tế cơ sở. Bên cạnh đó, chương trình thực hành sẽ được cập nhật để bác sĩ trẻ có điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu đào tạo sức khỏe. Ngoài ra Sở Y tế đã đề nghị Hội Y học; Hội Hộ sinh; Hội Y tế Công cộng tăng cường tuyên truyền và vận động người cao tuổi, có chuyên môn y tế tham gia công tác tại trạm y tế.
Sở Y tế đã đề xuất UBND TP trình Hội đồng Nhân dân thành phố điều chỉnh tăng kinh phí cho nhân viên bảo vệ và nhân viên vệ sinh tại trạm y tế để thu hút nhân sự tham gia công tác hậu cần, giảm tải gánh nặng cho nhân viên chuyên môn tại trạm y tế.
“Sở Y tế đang tiếp tục đề xuất, góp ý với Bộ Y tế về dự thảo mới của Luật khám chữa bệnh đối với thực hành trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo đó, cơ sở thực hành trong bệnh viện đa khoa sẽ có đầy đủ các chuyên khoa theo quy định gắn liền với thực hành tại trạm y tế. Điều này vừa giúp nâng cao hiệu quả thực hành cho người hành nghề, tăng cường năng lực của y tế cơ sở trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, bà Như nói.