7 giờ sáng 7.10, BOT Cai Lậy thu phí chính thức
Sự kiện - Ngày đăng : 12:12, 30/09/2022
Theo ông Duy, sau mấy ngày vận hành thu phí thử nghiệm không thu tiền (từ 13 giờ ngày 25.9), ngoài một vài sự cố như: xe chạy nhanh tông vào barie, các phương tiện húc đuôi nhau… cơ bản dự án hoạt động ổn định. “Từ hôm nay, chúng tôi sẽ cho chạy thử nghiệm tất cả các làn và chạy thử 3 ca”, ông Duy cho biết. Liên quan đến việc đưa dự án BOT Cai Lậy thu phí trở lại, ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản về việc “thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án BOT đầu tư quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”.
Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam phối hợp nhà đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương căn cứ điều kiện thực tế, các quy định liên quan để quyết định thời điểm thu cho phù hợp.
Dự án BOT Cai Lậy đưa vào thu phí từ năm 2017, nhưng sau đó gặp sự phản đối buộc phải tạm ngưng trong nhiều năm. Để giải quyết tình trạng này, ngày 26.2.2020, Bộ GTVT chấp thuận lập thêm 1 trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí hoàn vốn cho dự án.
Phương án thu phí hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy được thực hiện thu liên trạm và hợp phần nào hoàn vốn xong sẽ dỡ bỏ trạm đó.
Song song với cách thức hoàn vốn như nêu trên, dự án được Tổng cục đường bộ thực hiện phân luồng xe di chuyển qua khu vực này, trong đó, xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế ngồi trở lên bắt buộc phải đi vào tuyến tránh thay vì đi thẳng trên quốc lộ 1 (trừ những xe trong khu vực nội đô thị xã Cai Lậy được sự cho phép-PV).
Ông Duy cho biết, trường hợp xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế ngồi trở lên di chuyển từ hướng Mỹ Thuận về Mỹ Tho khi đến trạm thu phí trên quốc lộ 1, hệ thống sẽ ghi nhận (tự động qua làn ETC hoặc mua vé thủ công qua làn thu phí hỗn hợp) tại trạm trên quốc lộ 1. Sau đó, nhóm xe loại này sẽ được phân luồng đi vào tuyến tránh và không cần phải chịu phí thêm trên tuyến tránh, nhưng doanh thu sẽ được ghi nhận cho trạm trên tuyến tránh, chứ không phải cho trạm trên quốc lộ 1.
Đối với nhóm xe không bắt buộc phân luồng vào tuyến tránh (xe ô tô con, xe khách dưới 29 ghế ngồi, xe tải dưới 3 trục) di chuyển hướng từ Mỹ Thuận đi Mỹ Tho, khi đến trạm thu phí trên quốc lộ 1, hệ thống cũng ghi nhận tại trạm này. Tuy nhiên, trường hợp xe tiếp tục đi thẳng trên quốc lộ 1, doanh thu sẽ ghi nhận cho trạm trên quốc lộ 1, còn trường hợp nếu xe đi vào tuyến tránh thì không phải trả phí thêm cho trạm trên tuyến tránh, nhưng doanh thu sẽ ghi nhận cho trạm trên tuyến tránh.
Với trường hợp nhóm xe từ 3 trục và 29 ghế ngồi trở lên di chuyển hướng từ Mỹ Tho về Mỹ Thuận, bắt buộc phải vào tuyến tránh. Khi đó, hệ thống sẽ ghi nhận (tự động hoặc thủ công) mức phí và doanh thu sẽ tính cho trạm trên tuyến tránh (sẽ không bị thu phí thêm khi nhóm xe này đi đến trạm trên quốc lộ 1-PV).
Đối với nhóm xe không bắt buộc vào tuyến tránh (xe ô tô con, xe tải dưới 3 trục và xe khách dưới 29 ghế ngồi) di chuyển từ Mỹ Tho về Mỹ Thuận, nếu đi thẳng đến trạm thu phí trên quốc lộ 1, hệ thống sẽ ghi nhận và tính doanh thu cho trạm quốc lộ 1. Tuy nhiên, nếu xe đi vào tuyến tránh, hệ thống sẽ ghi nhận và tính doanh thu cho trạm trên tuyến tránh (xe không phải trả phí thêm cho trạm trên quốc lộ 1).
Theo ông Duy, đối với nhóm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế ngồi trở lên ở nội đô thị xã Cai Lậy cũng được tính phí như những trường hợp nêu trên. Nhưng nếu xe đi thẳng quốc lộ 1, doanh thu sẽ tính cho trạm thu phí trên quốc lộ 1 (đây là những trường hợp ngoại lệ không bắt buộc phải đi vào tuyến tránh-PV).
Hiện mức phí áp dụng cho trạm trên quốc lộ 1 thấp nhất là 14.000 đồng/xe và cao nhất là 118.000 đồng/xe. Trong khi đó, mức phí trên tuyến tránh thấp nhất là 24.000 đồng/xe và cao nhất là 137.000 đồng/xe.
Được biết, chi phí đầu tư dự án là trên 1.380 tỉ đồng, trong đó, tuyến tránh là 680,77 tỉ đồng, phần tăng cường mặt đường là hơn 379 tỉ đồng, xây trạm thu phí là trên 100 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 219 tỉ đồng.