TSMC muốn tăng giá chip A17 Bionic cho iPhone 15 Pro, Apple không hài lòng
Thế giới số - Ngày đăng : 15:38, 30/09/2022
Vào tháng 8.2022 rộ tin TSMC, công ty chịu trách nhiệm chính về nhu cầu chip tùy chỉnh của Apple, tăng giá chip gần như tất cả quy trình tiên tiến lúc này. Sau đó, TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan) đã thay đổi hướng đi của mình và nói với khách hàng rằng việc tăng giá sẽ chỉ diễn ra vào năm 2023.
Apple, khách hàng lớn nhất của TSMC, dự kiến sẽ sử dụng chip A17 Bionic trong các mẫu iPhone 15 Pro vào năm sau. Để sản xuất chip A17 Bionic, TSMC sẽ phải sử dụng quy trình 3 nanomet và do quá trình chế tạo ngày càng tinh vi nên gã khổng lồ Đài Loan nói với Apple rằng có kế hoạch tăng giá tính phí. TSMC không công khai ý tưởng đó.
Hiện tại, chip do TSMC sản xuất đã đắt hơn khoảng 20% so với chip của các đối thủ trực tiếp. Ngoài ra, TSMC đã cam kết đầu tư 100 tỉ USD trong 3 năm tới, nên phải tăng giá để duy trì vốn và chuyển bớt chi phí sang khách hàng.
Do đó, việc Apple dường như từ chối chấp nhận giá tăng sau các cuộc đàm phán với TSMC có thể không tốt cho công ty Đài Loan. Lý do vì TSMC sản xuất tất cả chip silicon tùy chỉnh của Apple.
Xét trong bối cảnh mức độ nghiêm trọng, Apple được ước tính chiếm hơn 1/4 doanh thu của TSMC, điều này đồng nghĩa là hai công ty khá phụ thuộc vào nhau.
Vào thời điểm viết bài, cả Apple và TSMC đều chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào xác nhận tin tức nói trên. Song nếu thông tin do trang Economic Daily News đăng tải là đúng, TSMC rõ ràng cũng muốn ngăn khách hàng của mình hủy đơn đặt hàng sản xuất chip và đặt hàng nhiều chip hơn mức cần thiết.
Động thái này cũng sẽ cho phép TSMC hiểu được nhu cầu thực tế của thị trường tại thời điểm nhất định. Ngay cả Samsung, công ty lớn thứ hai trên thị trường chất bán dẫn, cũng được cho đang có kế hoạch tăng giá sản phẩm.
Là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới và hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai sau TSMC, Samsung được cho đang nói chuyện với các khách hàng vào đầu năm nay về việc tính phí thêm 20% cho việc sản xuất chất bán dẫn.
Theo tờ Bloomberg, về cơ bản Samsung đang “tham gia vào nỗ lực tăng giá trong toàn ngành để bù đắp chi phí nguyên vật liệu và hậu cần đang tăng lên”. Nếu thông tin này đúng thì có sẽ sự thay đổi từ chính sách giá tương đối ổn định của Samsung vào năm ngoái, ngay cả khi ngành công nghiệp này vội vàng tăng giá trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu.
Intel cũng xác nhận thông tin từ trang Nikkei từ giữa năm nay rằng họ đã bắt đầu nói với khách hàng về kế hoạch tăng giá với “phần lớn bộ vi xử lý và các sản phẩm chip ngoại vi của mình”, bao gồm CPU cho máy chủ và PC cũng như chip Wi-Fi. Gã khổng lồ bán dẫn Mỹ không tiết lộ sản phẩm cụ thể nào sẽ tăng giá.
TSMC cho biết công ty sẽ bắt đầu quy trình sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet vào nửa cuối năm nay. Điều này sẽ giúp TSMC có thể kịp thời cung cấp cho Apple dòng chip công nghệ mới vào năm 2023.
Theo trang Digitimes, trong giai đoạn đầu TSMC sẽ có thể gia công từ 30.000 - 35.000 chip được sản xuất trên quy trình 3 nanomet hàng tháng.
Trước đây, Nikkei Asia đưa tin Apple sẽ ra mắt iPad mới trong năm nay với chip 3 nanomet của TSMC và DigiTimes cũng tuyên bố điều tương tự.
Nếu TSMC sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet vào nửa cuối 2022, đây sẽ là lần thứ hai trong những năm gần đây Apple ra mắt công nghệ chip mới trên iPad trước khi sử dụng trên các dòng iPhone. Lần thứ nhất là khi Apple ra mắt chip A14 Bionic trên iPad Air 4 vào năm 2020.
Theo nhiều nguồn tin, Apple sẽ phát hành phần lớn các thiết bị với chip 3 nanomet do TSMC sản xuất vào năm 2023, bao gồm cả máy Mac với chip M3 và các mẫu iPhone 15 Pro với chip A17.
Việc chuyển sang một quy trình sản xuất tiên tiến hơn dự kiến sẽ cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, cho phép máy xử lý nhanh hơn và tuổi thọ pin lâu hơn. Theo TSMC, công nghệ 3 nanomet có thể tăng hiệu suất xử lý từ 10% đến 15% so với công nghệ 5 nanomet, đồng thời giảm mức tiêu thụ điện năng từ 25% đến 30%.
Ngoài ra, chip M3 còn được cho là có tới 4 khuôn, cho phép trang bị tối đa 40 lõi trên một bộ vi xử lý. Hiện tại, chip M1 của Apple chỉ có 8 lõi và chip M1 Pro cũng như M1 Max cũng chỉ có bộ vi xử lý 10 nhân. Thế nên điều này hứa hẹn sẽ đem lại hiệu năng cực mạnh mẽ trên các thiết bị Apple mới.
Apple đang từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng dòng iPhone 14 trong năm nay sau khi dự đoán nhu cầu tăng vọt không thành hiện thực, theo những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với tờ Bloomberg.
Hãng sản xuất thiết bị điện tử có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp rút lui khỏi nỗ lực tăng cường lắp ráp dòng iPhone 14 lên 6 triệu chiếc nửa cuối năm nay, theo những nguồn tin yêu cầu không nêu tên vì các kế hoạch không được công khai.
Thay vào đó, Apple sẽ đặt mục tiêu sản xuất 90 triệu thiết bị cầm tay trong giai đoạn này, gần bằng mức năm trước và phù hợp với dự báo ban đầu của hãng vào mùa hè này.
Nhu cầu với các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max mạnh hơn các phiên bản tiêu chuẩn, theo một số người. Trong ít nhất một trường hợp, nhà cung cấp chính của Apple đang chuyển năng lực sản xuất từ iPhone 14 giá thấp hơn sang các mẫu cao cấp, họ nói thêm.
Foxconn được cho đã tháo dỡ các bộ phận trong dây chuyền sản xuất mẫu iPhone 14 tiêu chuẩn ở Trung Quốc và chuyển sang Pro, theo một báo cáo của tờ China Securities Journal. Một phát ngôn viên của Foxconn cho biết công ty “sẽ không bình luận về những tin đồn thị trường”.
Apple đã nâng cấp dự báo doanh số bán hàng của mình trong những tuần trước khi phát hành dòng iPhone 14 và một số nhà cung cấp cho họ chuẩn bị cho việc tăng 7% đơn đặt hàng.
Thành công của các thiết bị Apple có ý nghĩa với ngành công nghiệp công nghệ. Trong đó, các nhà cung cấp như TSMC và Foxconn phụ thuộc vào doanh số iPhone cùng các thiết bị liên quan như động lực doanh thu chính.
Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận về chuyện trên.
Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, đang trong tình trạng suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thiết bị di động trong nước và cả doanh số iPhone. Lượng mua dòng iPhone 14 trong ba ngày đầu tiên tại Trung Quốc đã giảm 11% so với phiên bản tiền nhiệm, theo một lưu ý của ngân hàng đầu tư Jefferies Group hôm 26.9.
Nhu cầu toàn cầu về thiết bị điện tử cá nhân cũng bị kìm hãm do lạm phát gia tăng, lo ngại suy thoái... Theo dữ liệu từ công ty IDC (có trụ sở tại Singapore), thị trường smartphone dự kiến sẽ giảm 6,5% trong năm nay xuống còn 1,27 tỉ chiếc.
Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu tại IDC, cho biết: “Hàng tồn kho cao trong các kênh và nhu cầu thấp mà không có dấu hiệu phục hồi ngay lập tức khiến các OEM hoảng loạn và cắt giảm mạnh đơn đặt hàng của họ cho năm 2022”.
OEM (Original Equipment Manufacturer) được định nghĩa là nhà sản xuất thiết bị gốc. Thuật ngữ này được sử dụng để miêu tả những doanh nghiệp, đối tác sản xuất, gia công, lắp ráp sản phẩm dựa trên đơn đặt hàng của thương hiệu khác. Khi thành phẩm hoàn thiện và được đưa ra thị trường sẽ được gắn thương hiệu của công ty đã đặt hàng, gọi là sản phẩm OEM.