Biến đổi khí hậu nhu cầu kết nối để thích ứng thành công

Sự kiện - Ngày đăng : 17:31, 30/09/2022

Sáng 30.9, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) - Trường đại học Cần Thơ đã cùng các đơn vị phối hợp tổ chức tọa đàm “Giải pháp khoa học và công nghệ trong thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long".
z3762901669913_47df39827c8e41efe3a6a8126e550f52.jpg
Tọa đàm trực tuyến về biến đổi khí hậu ở Cần Thơ ngày 30.9 - Ảnh: Văn Kim Khanh

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) cho rằng, Trường  ĐHCT có sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực cho ĐBSCL. Trong đó các lĩnh vực liên quan đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, BĐKH. Tất cả  góp phần bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước.

Chuyên trách cho nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có Viện nghiên cứu BĐKH trực thuộc Trường ĐHCT. Thời gian qua Viện đã thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho vùng ĐBSCL. Việt Nam cùng các nuớc trong tiểu vùng lưu vực sông Mekong đã kết nối – thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường vùng ĐBSCL, hướng tới toàn lưu vực. Kết nối – chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các nghiên cứu khoa học, chuyên gia, các đối tác trong, ngoài nước. 

z3762867592321_c0197b5a1ab61bf0bc24f377f4d33286.jpg
Tác động từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu - Ảnh: Văn Kim Khanh

ĐBSCL hiện nay thay đổi rất nhiều. Phần lớn do con người tác động đến thiên nhiên. Về khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng có nhiều tác động. Canh tác lúa trước kia mỗi năm 2 vụ, nay đã tăng lên 3 vụ, 4 vụ. Đi xa hơn nữa có đề xuất 2 năm tăng lên 10 vụ. Việc xử dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu tác động mạnh đến tài nguyên đất, nguồn nước, đa dạng sinh học. Tất cả các tác động này cần nghiên cứu, có biện pháp để cải thiện môi trường trong cộng đồng xã hội. Hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tuổi trẻ cùng cộng đồng xã hội cần góp phần cải thiện môi trường.

z3741999055098_13013ea10a243cd285c20a905137e932.jpg
Con người tác động mạnh mẽ đến thiên nhiên trong vùng ĐBSCL - Ảnh: Cao Xuân Lương

PGS.TS Phạm Văn Công, Trưởng khoa Môi trường – tài nguyên thiên nhiên – Trường ĐHCT cho rằng, việc thâm canh trong trồng lúa, sử dụng phân bón hóa học làm suy thoái tài nguyên đất đai. Nó ảnh hưởng lớn đến bảo tồn đa dạng sinh học do suy giảm về môi trường. Việc nhiều nơi ở ĐBSCL tăng cường khai thác nước ngầm làm cho ĐBSCL thêm sụt lún. Mỗi năm ĐBSCL sụt lún từ 6-100mm. Tình trạng lũ lụt làm sạt lỡ bờ sông, sạt lỡ đường giao thông. Việc tăng dân số, đô thị hóa cũng góp phần gây ra ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn cũng gây ra nhiều khó khăn cho nông nghiệp, môi trường

z3762888863331_52c90e935925dacbc8672f10c3579379.jpg

PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng viện nghiên cứu BĐKH cho rằng: “Viện nghiên cứu BĐKH - Trường ĐHCT thời gian qua đã phối hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho các tỉnh trong vùng. Chia sẻ kinh nghiệm với các Viện, Trường trong nước, quốc tế. Mục đích hỗ trợ thích ứng, giảm nhẹ tác động BĐKH. Hạn chế các hiện tượng khí hậu cực đoan, nước biển dâng.  Tọa đàm “Giải pháp khoa học và công nghệ trong thích ứng BĐKH, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ thông tin thành tựu. Kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao cho địa phương, người dân liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Giúp cho việc quản lý bền vững tài nguyên thiên, đa dạng sinh học. Tọa đàm cũng là dịp để nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực môi trường, tổ chức phi chính phủ giao lưu, chia sẻ thông tin. Từ đó đề xuất hướng nghiên cứu, giải pháp khoa học nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng biến đổi khí hậu".

Văn Kim Khanh