Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:56, 01/10/2022

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong tháng 9 và 9 tháng, nền kinh tế có xu hướng phục hồi rất tích cực. Tuy nhiên, thách thức phải đối mặt là rất lớn, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng…

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng 1.10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao đi cùng với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, GDP quý 3 tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%; CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu; tín dụng tăng 10,83% so với cuối năm trước; ổn định tỉ giá phù hợp với dư địa điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Công tác phòng chống dịch COVID-19, các dịch bệnh mới phát sinh tiếp tục được chú trọng. Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ tiêm liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vắc xin trung bình mỗi người dân nhận được. Nhờ vậy, dịch COVID-19 được kiểm soát, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với các nước, tránh được nguy cơ “dịch chồng dịch”; xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%). Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025 (6,5-7%/năm).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

“Nhìn chung, trong tháng 9 và 9 tháng, nền kinh tế có xu hướng phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm được các cân đối lớn. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, tạo dư địa nguồn lực ứng phó với những rủi ro, thách thức của tình hình thế giới hiện nay”, Bộ trưởng Dũng nói.

dung-2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo ông Dũng, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, nhất là áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn…

Theo đó, các cấp, các ngành cần nắm chắc tình hình, chủ động trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội; phối hợp chặt chẽ, kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, điều hành giá và chính sách vĩ mô khác để giữ vững thành quả về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp theo mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 30.9 đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597 tỉ đồng, tăng khoảng 16%.

Đáng chú ý, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân cao hơn khoảng 80.000 tỉ đồng so với năm 2021 (chưa tính khoản 38.000 tỉ đồng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội).

Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiến độ giải ngân tháng 9 có chuyển biến tích cực cho thấy hoạt động của 6 tổ công tác bước đầu phát huy hiệu quả, trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân tháng 9 đạt 40.920,84 tỉ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân một tháng trong 8 tháng đầu năm là 26.528,41 tỉ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tình hình hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày qua, làm 7 người chết tại Nghệ An, nhiều tài sản của người dân và Nhà nước bị thiệt hại.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.

Lam Thanh