Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2023, thách thức, khó khăn nhiều hơn thuận lợi

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 23:44, 01/10/2022

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết năm 2023 khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; sức ép lạm phát vô cùng khó đoán định. Do đó, cơ quan này dự đoán tăng trưởng năm 2023 vào khoảng 6,5%.

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ: GDP quý 3 tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 03 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.

Trả lời báo chí về dự báo tăng trưởng GDP quý 4 năm nay tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1.10, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH-ĐT đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP trong quý 4 cũng như cả năm.

Kịch bản thấp là quý 4 kinh tế còn nhiều khó khăn, diễn biến tình hình khó đoán định, nên cả năm có thể đạt 7,5%; còn nếu mọi thứ diễn biến như hiện nay, không có diễn biến bất lợi thì chúng ta có thể đạt tăng trưởng GDP 8%.

gdp.jpg
GDP năm 2023 tăng trưởng khoảng 6,5%

Đại diện Bộ KH-ĐT cho biết năm 2023, Bộ KH-ĐT nhận định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Sức ép lạm phát vô cùng khó đoán định. Lạm phát toàn cầu, lạm phát ở các nền kinh tế lớn rất khó kết thúc ở vài tháng tới, sẽ kéo dài đến năm 2023. Lạm phát này với các chính sách kiểm soát với cường độ cao của các nền kinh tế lớn sẽ dẫn tới suy thoái. Do đó, thời gian để khắc phục là khá khó khăn.

Đồng thời, bối cảnh xung đột Nga – Ukaraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Xung đột này kéo theo vấn đề năng lượng. Bài học vừa qua là cuộc xung đột nổ ra thì rất vất vả trong điều hành giá xăng dầu và lạm phát. Dự báo căng thẳng này là nhân tố bất lợi trong năm 2023 với kinh tế thế giới và Việt Nam. Nếu căng thẳng này tiếp tục tăng cao thì sẽ kéo theo nhiều lo ngại về an ninh năng lượng và nhiều vấn đề khác.

Thêm vào đó, tác động cảu các yếu tố phi truyền thống như bão lũ, thiên tai, dịch bệnh… cũng có thể tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023. Chúng tôi dự báo tăng trưởng khoảng 6,5%.

hop-bao.jpg
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9

Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 30/9 đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.

Đáng chú ý, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân cao hơn khoảng 80.000 tỉ đồng so với năm 2021 (chưa tính khoản 38.000 tỉ đồng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH).

Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

tran_quoc_phuong.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại họp báo

Tiến độ giải ngân tháng 9 có chuyển biến tích cực cho thấy hoạt động của 6 Tổ công tác bước đầu phát huy hiệu quả, trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân tháng 9 đạt 40.920,84 tỉ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân một tháng trong 8 tháng đầu năm là 26.528 tỉ đồng. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vẫn chưa đạt kỳ vọng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được báo cáo tại các Phiên họp Chính phủ và Hội nghị trực tuyến đôn đốc giải ngân đầu tư công.

Đến ngày 30.9, có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 4/52 địa phương mới giao kế hoạch vốn đầu tư, chưa giao kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 1/52 địa phương chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.

Theo ông Trần Quốc Phương, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 46%, thấp hơn so với cùng kỳ nhưng số tuyệt đối lại cao hơn năm trước gần 35.000 tỉ (16%) do tổng lượng vốn năm nay cao hơn năm ngoái.

“Kết quả giải ngân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả tăng trưởng GDP tháng 9 và 9 tháng đầu năm. Xu thế chung của năm 2022 là sự phục hồi ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế lẫn các chuyên gia khi kết quả thực tế khá tích cực”, ông Phương nêu.

Lam Thanh