Tổng thống Putin nêu tên người tổ chức các vụ nổ đường ống Nord Stream

Quốc tế - Ngày đăng : 18:42, 01/10/2022

Tổng thống Putin không còn cáo buộc chung chung phương Tây mà thu hẹp lại là người Anglo-Saxon vốn là thuật ngữ ám chỉ những người nói tiếng Anh.

Trong bài diễn văn phát biểu tại lễ sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến thủ phạm các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt quốc tế của dự án Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc).

Cụ thể, ông phát biểu: “Các lệnh trừng phạt vẫn là chưa đủ đối với những người Anglo-Saxon. Họ chuyển sang phá hoại. Thật không thể tin được, nhưng đó là sự thật. Họ đã tổ chức các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt quốc tế của dự án Nord Stream chạy dọc theo đáy biển Baltic, họ thực sự bắt đầu phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng toàn châu Âu. Rõ ràng là, ai được lợi từ việc này. Dĩ nhiên, ai được lợi thì người đó làm”.

Điều đáng nói ở đây là Tổng thống Putin không còn cáo buộc chung chung phương Tây mà thu hẹp lại là người Anglo-Saxon vốn là thuật ngữ thường dùng để chỉ những người nói tiếng Anh.

Cùng ngày 30.9, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev nhận định Mỹ là bên hưởng lợi chính từ tình hình khẩn cấp tại đường ống dẫn khí Nord Stream.

Trước đó, người phát ngôn điện Kremlin Dimitry Peskov cũng chỉ ra, cả Nga và Châu Âu, đặc biệt là Đức, đều không thu được gì từ việc phá hủy các đường ống bởi sự cố này tạo ra mối đe dọa với sự phát triển của ngành công nghiệp cũng như đe dọa lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của ngành. Đồng thời, Văn phòng Công tố Liên bang Nga thông báo cơ quan an ninh nước này đã mở cuộc điều tra "khủng bố quốc tế" đối với sự cố rò rỉ trên các tuyến đường ống Nord Stream.

Liên minh Châu Âu (EU) ngày 28.9 cam kết có phản ứng "mạnh mẽ" với bất kỳ sự cố ý nào nhằm làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng sau khi tiết lộ khối nghi ngờ có sự phá hoại trong vụ rò rỉ khí đốt ở những đường ống ngầm của Nga tới Châu Âu.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp trả bằng một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất".

Trong khi đó, Mỹ tin rằng còn quá sớm để kết luận có hành vi phá hoại. Khi được hỏi liệu có thể loại trừ bất kỳ sự can dự nào của Mỹ vào vụ việc của Nord Stream hay không, quan chức quân đội Mỹ khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn không liên quan".

Có hai vụ rò rỉ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và hai vụ rò rỉ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch. Sau khi xảy ra sự cố, Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết hai vụ nổ đã được phát hiện liên quan đến vụ rò rỉ và “mặc dù điều này không thể hiện một cuộc tấn công vào Thụy Điển”, chính phủ nước này vẫn “liên hệ chặt chẽ với các đối tác như NATO cũng như các nước láng giềng gồm Đan Mạch và Đức để điều tra nguyên nhân sự cố”.

Trong báo cáo chung gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 30.9, Đan Mạch và Thụy Điển cho biết độ lớn của các vụ nổ nói trên hơn 2 độ Richter, với sức công phá tương đương vài trăm kg thuốc nổ TNT.

Tá Nhu