Elon Musk yêu cầu Twitter dùng 'Trump' làm từ khóa tìm kiếm để điều tra số tài khoản giả mạo

Thế giới số - Ngày đăng : 23:29, 01/10/2022

Elon Musk đã yêu cầu Twitter sử dụng "Trump" làm cụm từ tìm kiếm trong cuộc điều tra về số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này, các tài liệu cho thấy.

Trong một email mới đây, luật sư Silpa Maruri của Elon Musk đã đưa ra yêu cầu rằng tên cựu Tổng thống Mỹ phải được sử dụng trong các cụm từ tìm kiếm, vì tên ông Trump thường được liên kết với các bot trên nền tảng này, tờ Bloomberg đưa tin.

Silpa Maruri lý giải: “Trump có liên quan vì những lý do mà chúng tôi đã giải thích, cụ thể là cái tên này thường được liên kết với spam, tài khoản giả mạo và bot”.

Yêu cầu này bị Twitter từ chối, với luật sư Bradley Wilson của công ty truyền thông xã hội nói rằng ông "không bị thuyết phục" bởi nhu cầu tìm kiếm "Trump", tờ Bloomberg đưa tin.

Twitter đã cấm tài khoản Trump vĩnh viễn hai ngày sau sự kiện rất nhiều người ủng hộ ông gây bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6.1.2021 khiến 5 người chết, mà cựu Tổng thống Mỹ bị buộc tội kích động. Phân tích vào năm 2016 cho thấy ông Trump thường xuyên tương tác với các tài khoản bot.

Hồi tháng 5.2022, Elon Musk nói rằng ông sẽ lật ngược lệnh cấm của Trump nếu mua lại và có quyền kiểm soát Twitter.

Trước đó, Trump cho biết sẽ không quay lại Twitter ngay cả khi Elon Musk mời ông trở lại. 

"Tôi hy vọng Elon mua Twitter vì cậu ấy sẽ cải thiện nó và cậu ấy là một người đàn ông tốt, nhưng tôi sẽ ở trên Truth Social", ông Trump nói với Fox News.

Các email này là một phần bức thư từ Elon Musk và các lãnh đạo Twitter về thương vụ 44 tỉ USD. Trong đó có các thông điệp của Elon Musk gửi cho cựu Giám đốc điều hành Twitter - Jack Dorsey, podcaster Joe Rogan và Giám đốc điều hành Twitter hiện tại - Parag Agrawal.

Vụ tiếp quản Twitter trị giá 44 tỉ USD của Elon Musk đã sụp đổ vào tháng 7 khi Giám đốc điều hành Tesla cáo buộc công ty không tiết lộ chính xác số lượng tài khoản giả mạo.

elon-musk-yeu-cau-twitter-dung-trump-lam-cum-tu-tim-kiem.jpg
Elon Musk từng nói sẽ đưa Donald Trump trở lại trên Twitter 

Các tài liệu của tòa án cho thấy Elon Musk đã thảo luận với Jack Dorsey về những thay đổi trên nền tảng trước khi hỏi mua giá 44 tỉ USD.

Elon Musk và Jack Dorsey đã trao đổi riêng về Twitter trước khi Giám đốc điều hành Tesla đưa ra lời đề nghị mua lại công ty truyền thông xã hội với 44 tỉ USD, hồ sơ tòa án mới tiết lộ.

Tập hợp các tin nhắn văn bản trao đổi giữa hai người dường như cho thấy Jack Dorsey đã cố gắng đưa Elon Musk vào hội đồng quản trị Twitter ít nhất một năm trước khi tỷ phú giàu nhất thế giới đề nghị mua lại công ty vào tháng 4 vừa qua.

Trong một tin nhắn được gửi vào ngày 26.3.2022, Jack Dorsey đã viết cho Elon Musk rằng: “Cần phải có một nền tảng mới. Nó không thể là một công ty. Đó là lý do tại sao tôi rời đi".

Jack Dorsey giải thích rằng ông nghĩ Twitter nên là một “giao thức nguồn mở” và không thể dựa trên mô hình quảng cáo như hầu hết công ty truyền thông xã hội.

Elon Musk trả lời bằng cách nói rằng sẽ "muốn giúp đỡ nếu tôi có thể".

Jack Dorsey nói rằng đã cố gắng để Elon Musk tham gia công ty một năm trước đó.

Bạn quan tâm rất nhiều, hiểu được tầm quan trọng của nó và có thể giúp đỡ theo những cách không thể đo lường được”, Jack Dorsey nhắn với Elon Musk trước khi tiết lộ rằng hội đồng quản trị “không thích rủi ro” đã bác bỏ ý tưởng này.

Jack Dorsey nghĩ rằng thật là "hoàn toàn ngu ngốc và ngược đời" khi hội đồng quản trị Twitter coi việc đưa Elon Musk vào đó làm tăng thêm rủi ro cho công ty và tuyên bố rằng đây là thời điểm ông quyết định từ chức giám đốc điều hành. Jack Dorsey rời Twitter vào tháng 11.2021.

Các tin nhắn cũng gợi ý rằng Jack Dorsey đã cố gắng mời Elon Musk tham gia vào hội đồng quản trị trong khi Twitter đang chiến đấu với công ty quản lý đầu tư Elliott Management vào năm 2020 của người sáng lập Paul Singer. Lúc đó, Elliott Management tìm cách phế truất Jack Dorsey khỏi vai trò giám đốc điều hành và làm cho mảng kinh doanh của Twitter có lợi hơn.

"Tôi đã cố gắng hết sức để đưa bạn vào hội đồng quản trị của chúng tôi và hội đồng quản trị đã nói không", Jack Dorsey viết.

Hơn một tuần sau khi trao đổi tin nhắn với Jack Dorsey, Elon Musk thông báo rằng ông dự định tham gia hội đồng quản trị Twitter. Cuối cùng, Giám đốc điều hành SpaceX đã thay đổi hướng đi và đề nghị mua lại Twitter để thay đổi các chính sách của gã khổng lồ truyền thông xã hội mà ông cho là thù địch với quyền tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, dù đồng ý mua Twitter với giá 44 tỉ USD ở mức 54,20 USD/cổ phiếu, Elon Musk quyết định rút lui khỏi thỏa thuận một tháng sau đó khi giá cổ phiếu công ty này giảm mạnh.

Các luật sư của Elon Musk đã lập luận rằng ông đã hiểu sai về Twitter và viện dẫn những lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật cùng số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này.

Sau đó, Twitter kiện Elon Musk và buộc ông phải hoàn tất thương vụ với giá đề xuất ban đầu.

Nếu không có gì thay đổi, phiên tòa giữa Twitter và Elon Musk diễn ra vào ngày 17.10 tại Tòa án Thủ hiến Delaware (Mỹ).

Sơn Vân