Châu Á khó đảm bảo mục tiêu chống biến đổi khí hậu do chiến tranh Nga - Ukraine

Chuyển động - Ngày đăng : 12:21, 02/10/2022

Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine buộc đa số quốc gia châu Á phải chú ý an ninh năng lượng và điều này khiến các nước khó đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Khi các nước châu Á giải quyết an ninh năng lượng sẽ dẫn đến hai kết quả, hoặc “đánh cược gấp đôi" vào năng lượng sạch, hoặc quyết định chưa lập tức từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Cuộc chiến này tác động mạnh đến các nước đang phát triển hiện đang khó khăn về tài chính, theo nhận định của Kanika Chawla thuộc nhánh năng lượng trong Chương trình Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc.

Sri Lanka có thể chỉ "ước mơ" từ bỏ được nhiên liệu hóa thạch

Người dân Sri Lanka hiện tại phải xếp hàng nhiều giờ mới có thể mua được gas về đun nấu. Đảo quốc 22 triệu dân này đang lâm vào khủng hoảng kinh tế vì mất nguồn thu từ du lịch do đại dịch COVID-19, chi phí sinh hoạt tăng.

Trên hết là nợ nước ngoài nghiêm trọng nên Sri Lanka không thể mua năng lượng. Chính quyền quốc đảo Ấn Độ Dương này đã phải cấp định mức sử dụng nhiên liệu vốn được dự báo là sẽ còn thiếu nhiều hơn trong năm tới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm giảm nguồn cung năng lượng ở Sri Lanka. Nên dù vẫn còn bị cúp điện, các nguồn năng lượng hiện có của Sri Lanka vẫn được sử dụng, gồm các nhà máy điện chạy than hoặc dầu, thủy điện và một số ít điện mặt trời.

Sri Lanka đã đặt mục tiêu đạt 70% nguồn năng lượng từ năng lượng tái tạo kể từ năm 2030 và đạt mục tiêu giảm 100% lượng phát thải khí nhà kính ròng (không phát thải ròng) từ năm 2050.

Việc Sri Lanka vừa cần đảm bảo an ninh, vừa cần giảm chi phí có nghĩa là nước này “không còn lựa chọn nào khác hơn là từ bỏ nhiên liệu hóa thạch”, theo ông Aruna Kulatunga, tác giả một báo cáo về mục tiêu năng lượng sạch của chính quyền Sri Lanka.

Nhưng những người khác, như Murtaza Jafferjee của Viện Nghiên cứu Advocata nói rằng, các mục tiêu trên chỉ là “sự khát khao hơn là thực tiễn”, vì lưới điện hiện nay của Sri Lanka không thể tương hợp với năng lượng tái tạo.

Các lưới điện chạy bằng năng lượng tái tạo cần phải nhanh hơn vì không giống như nhiên liệu hóa thạch, năng lượng từ gió hoặc mặt trời dao động, có khả năng gây căng thẳng cho lưới truyền tải.

wind-china-ap.jpeg
Trung Quốc đang chú ý phát triển điện gió - Ảnh : AP

Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo

Trung Quốc và Ấn Độ cũng dựa nhiều vào nguồn điện than vốn gây ô nhiễm nặng.

Trung Quốc - nước thải phát khí nhà kính nhiều nhất thế giới - đã đặt mục tiêu không phát thải ròng từ năm 2060. Điều này đòi hỏi nước này phải giảm đáng kể sự thải phát khí carbon.

Tuy nhiên, khi chiến tranh ở Ukraine bùng nổ, Trung Quốc không chỉ nhập thêm nhiên liệu hóa thạch từ Nga, mà còn tăng sản lượng than trong nước. Chiến tranh cùng với nạn hạn hán và cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước buộc Trung Quốc phải hoãn lại kế hoạch giảm dùng các nguồn nhiên liệu bẩn.

Ấn Độ đặt mục tiêu không phát thải ròng từ năm 2070 (sau Trung Quốc 10 năm) và là nước đứng hàng thứ ba thế giới về thải phát khí carbon. Dự báo là sẽ không nước nào ghi nhận sự tăng mạnh nguồn cầu năng lượng bằng Ấn Độ trong vài năm tới.

Trung Quốc, Ấn Độ cũng tăng sản lượng than nhằm giảm lệ thuộc nguồn than nhập khẩu đắt tiền. Ấn Độ vẫn mua dầu Nga bất chấp các lệnh trừng phạt.

Nhưng tầm cỡ nhu cầu trong tương lai là rất cao, nên cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều chỉ có cách tăng cường nguồn năng lượng sạch.

Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch và từ bỏ dần sự lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch, theo nhận định của Tim Buckley, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Climate Energy Finance.

Là người theo dõi chính sách năng lượng của Trung Quốc, ông Buckley nói rằng, việc châu Âu cần khí đốt có nghĩa họ đang cạnh tranh với các nước châu Á, khiến giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao và hậu quả là “siêu lạm phát”.

Ấn Độ cũng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, cam kết từ năm 2030 sẽ có 50% nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Còn có ước tính nước này cần 223 tỉ USD để đạt mục tiêu sử dụng năng lượng sạch từ năm 2030.

Chiến tranh ở Ukraine đã khiến Ấn Độ xem xét lại mảng an ninh năng lượng, theo ông Swati D’Souza của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng.

Việc Trung Quốc và Ấn Độ tăng sản lượng trong nước không có nghĩa hai nước này đốt thêm than và thay vào đó, họ sẽ thay thế nguồn than nhập khẩu tốn kém bằng nguồn năng lượng rẻ tiền trong nước, theo ông Christoph Bertram của Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Postdam.

Ông nhấn mạnh: “Mặt trái của việc đầu tư vào than có nghĩa bạn không đầu tư gì cả vào năng lượng tái tạo”.

wind-india-ap.jpeg
Trại điện mặt trời ở Ấn Độ - Ảnh : AP

Hàn Quốc và Nhật Bản chọn giải pháp điện hạt nhân

Lệnh trừng phạt than và khí đốt nhập khẩu từ Nga khiến Nhật phải tìm các nguồn năng lượng thay thế. 

Mùa hè vừa qua đến sớm hơn dự kiến gây thiếu điện, và chính phủ Nhật đã công bố các kế hoạch tăng tốc kiểm tra an toàn định kỳ nhằm có thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân được đưa vào sử dụng.

Hàn Quốc chưa ghi nhận tác động lên nguồn cung năng lượng, do nước này nhập dầu từ Trung Đông và nhập khí đốt từ Qatar, Úc... Nhưng có thể Hàn Quốc bị tác động gián tiếp, từ việc châu Âu muốn bảo đảm an ninh năng lượng từ các nguồn cung vừa nêu, điều khiến giá cả tăng lên.

Cũng như Nhật, chính phủ Hàn Quốc đang quảng bá điện hạt nhân, và tỏ ý miễn cưỡng giảm mạnh sự lệ thuộc than và khí đốt từ lúc nước này muốn kích cầu nền kinh tế.

indonesia-ap-2jpeg.jpeg
Người dân Indonesia đi đổ xăng - Ảnh : AP

Indonesia kiểm soát tổn thất

Chiến tranh ở Ukraine khiến giá khí đốt tăng vọt, buộc Indonesia phải giảm các chương trình trợ giá đã phình to, nhằm kiểm soát giá xăng dầu và giá điện.

Nhưng theo bà Anissa. R. Suharsono ở Viện Phát triển Bền vững Quốc tế, đó là một “cuộc cải cách vội vàng, chúng tôi chỉ lao vào cuộc chữa cháy” mà không giải quyết được thách thức. Indonesia phải giảm lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch và đạt mục tiêu không phát thải ròng từ năm 2060.

Indonesia là nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới, và so với năm 2021 thì sản lượng tăng gần 1,5 lần từ tháng 4 đến tháng 6.2022, nhằm đáp ứng nguồn cầu ở châu Âu. Theo dữ liệu chính phủ, Indonesia trong năm nay đã sản xuất hơn 80% so với tổng sản lượng than trong năm 2021.

Indonesia cần tăng gần gấp 3 lần đầu tư vào năng lượng sạch kể từ năm 2030, nhằm đạt mục tiêu không phát thải ròng từ năm 2060, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Tuy nhiên, bà Suharsono cho biết, hiện không thể biết liệu Indonesia có thể đạt đến các mục tiêu này hay không.

Bảo Vĩnh