Bình luận của Lầu Năm Góc về lực lượng ‘động viên’ của Nga tại Ukraine: 'Chưa đáng kể'
Quốc tế - Ngày đăng : 15:45, 02/10/2022
Mặc dù chính phủ Mỹ đang quan tâm sát sao việc "huy động" tới 300.000 binh sĩ theo diện “tổng động viên” một phần của Nga, nhưng theo quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, có một số lý do để tin rằng tác động của lực lượng này là “chưa đáng kể” so với lực lượng tác chiến ban đầu.
Trong một cuộc họp báo vào tuần này, quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã chỉ ra rằng một số yếu tố có thể làm giảm bớt tác động của việc huy động lực lượng của Nga.
“Việc trang bị vũ khí hợp lý cho một lực lượng như vậy là rất khó. Ngoài ra, họ phải cần được trang bị, huấn luyện và vũ trang cho chiến sự, và nhiều người trong số họ được cho là lính nghĩa vụ với các mức độ sẵn sàng khác nhau. Các báo cáo đã chỉ ra rằng, các binh sĩ Nga đã được gửi đến Ukraine sau một khoảng thời gian huấn luyện ngắn”, quan chức Lầu Năm Góc nói.
Theo ông, một yếu tố thậm chí còn có tác động lớn hơn có thể là câu hỏi về tinh thần. Người dân Nga đang có nhiều "mối quan tâm" về việc huy động lực lượng “động viên”. Tất cả những yếu tố này có khả năng góp phần khiến Nga đối mặt với khó khăn trên chiến trường, trong bối cảnh các lực lượng Ukraine đang tích cực phản công tại khu vực đông bắc Kharkiv.
“Đây là vấn đề hóc búa với Nga. Họ đang gặp khó ở không gian chiến đấu”, vị quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho hay.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ đã ủy quyền chuyển giao hàng tỉ USD vũ khí giúp quân đội Ukraine phòng vệ. Mặc dù số lượng lớn thiết bị và đạn dược đến trực tiếp từ các kho dự trữ hiện có, Lầu Năm Góc cũng đang làm việc với các nhà thầu để sản xuất thêm vũ khí đặc biệt cho Kiyv gồm Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS).
Đáng chú ý, truyền thông Mỹ hôm 30.9 tiết lộ Lầu Năm Góc được cho là đang xúc tiến thành lập một bộ chỉ huy quân sự mới đảm trách việc trang bị và huấn luyện binh sĩ Ukraine. Nỗ lực này sẽ thay đổi quy trình chuyển giao vũ khí cho Kiyv theo hướng hiệu quả hơn.
Theo các nguồn thạo tin của New York Times và CNN, những thay đổi này được tiến hành nhằm tạo ra một đơn vị chuyên trách, gần như mô phỏng những nỗ lực hỗ trợ và huấn luyện của Mỹ ở Iraq và Afghanistan trong hơn 20 năm qua.
Bộ chỉ huy Ukraine dự kiến được thành lập tại Wiesbaden (Đức), nơi quân đội Mỹ đóng trụ sở chính ở châu Âu. Đơn vị mới này bao gồm 300 nhân viên dưới quyền phụ trách của Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Âu của Quân đội Mỹ. Thành phố Wiesbaden của Đức nắm giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch trên, vì hầu hết quân đội Ukraine đang được đào tạo ở trong hoặc gần thành phố này.