Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của ĐBSCL
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:11, 02/10/2022
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia. Ở vị trí trung tâm ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của vùng. Thời gian qua Trường ĐHCT, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tích cực nghiên cứu, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, nhiều giải pháp khoa học để phổ biến, chuyển giao công nghệ để phục vụ cho việc phát triển vùng ĐBSCL.
GS-TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT cho rằng, hiện nay ĐBSCL đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn của ĐBSCL cùng cả nước. Châu thổ sông Cửu Long được các nhà khoa học đánh giá là một trong những vùng trù phú nhất trên thế giới.
Cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL của Đảng, Nhà nước, Trường ĐHCT đã chủ trì xây dựng, triển khai “Đề án Phát triển bền vững ĐBSCL - Tầm nhìn 2045” (SDMD 2045). Mục tiêu nhằm nối kết, hợp tác với đối tác liên quan trong, ngoài nước để phục vụ phát triển trong vùng; Tổ chức các diễn đàn thường niên, phục vụ cho phát triển ĐBSCL; Triển khai các chương trình - dự án nghiên cứu, phát triển vùng, xây dựng trung tâm thông tin, tư vấn khoa học công nghệ... nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và cả nước.
Trong khuôn khổ diễn đàn SDMD 2045, ĐHCT tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chung quanh đề tài BĐKH cùng các giải pháp phát triển kinh tế.
Gần nhất, ngày 30.9, trường ĐHCT tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Giải pháp Khoa học và Công nghệ trong thích ứng Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng ĐBSCL".
ĐBSCL đang đối mặt các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, rác thải nhựa. Vấn đề ô nhiễm nước mặn từ hoạt động sinh hoạt, đô thị hóa, thâm canh nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang là vấn đề lớn. Nguồn tài nguyên thiên nhiên suy giảm về số lượng, chất lượng, đặc biệt do chuyển đổi sử dụng đất, khai thác nước dưới đất ở vùng ven biển.
Bên cạnh đó, vùng cũng chịu tác động bất lợi do biến đổi khí hậu như nhiệt độ bề mặt trái đất gia tăng. Lượng mưa có chiều hướng gia tăng ở vùng bán đảo Cà Mau trong những năm gần đây. Xâm nhập mặn trong các năm qua tiến sâu vào nội địa, đặc biệt ở những tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ...
Chính vì vậy, các hội thảo, tọa đàm để tìm các giải pháp khoa học và công nghệ trong thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng ĐBSCL là việc rất cần thiết. Các sự kiện này được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ thông tin thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho địa phương. Các lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL thu hút người dân quan tâm.
Tọa đàm cũng là nơi các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực môi trường, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước giao lưu, chia sẻ thông tin. Từ đó, đề xuất hướng nghiên cứu, giải pháp khoa học nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
PGS-TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH cho biết, tại các hội thảo, tọa đàm, các đại biểu đã được nghe trình bày kết quả, định hướng nghiên cứu về BĐKH, bảo vệ môi trường.
Các nhà khoa học của Trường ĐHCT, Viện nghiên cứu BĐKH; các nhà khoa học các viện, trường trong nước và trên thế giới... thường xuyên tham gia chương trình. Những kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học góp phần cung cấp thông tin khoa học ứng dụng vào điều kiện thực tế của địa phương.
Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với hiện tượng BĐKH. Đây cũng là cơ sở lý luận, thực tiễn góp phần hỗ trợ Nhà nước xây dựng các chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2045.