Cán bộ ném tiền, xúc phạm người khác tại quán ăn có thể bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:56, 03/10/2022
Ngày 2.10, một tài khoản Facebook đăng tải đoạn video kèm nội dung về vụ việc về một người đàn ông được cho là cán bộ của một sở trực thuộc TP.Đà Nẵng ném tiền tung tóe trong quán ăn, khiến dư luận bất bình.
Theo phản ánh, trong khi hoàn lại tiền thừa cho khách (khoảng 16 tuổi) 25.000 đồng, do không có tiền chẵn, nên nhân viên quán ăn hoàn lại bằng tiền lẻ. Sau đó, ông bố quay lại quán ném tiền và nói "Tụi bây đưa rác cho con tau à", đồng thời người này cũng lớn tiếng quát: "Nhà tau ở đây xem chúng mày kinh doanh được bao lâu", tài khoản này viết.
Cũng theo nội dung bài viết thì người đàn ông ném tiền này là cán bộ của một sở ở TP.Đà Nẵng.
Lãnh đạo Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đã thông tin ban đầu liên quan đến sự việc một người đàn ông được cho là cán bộ của Sở này lớn tiếng cãi cọ và ném tiền trong quán ăn khiến dư luận bức xúc.
Theo đó, sau khi tiếp nhận phản ánh về hành vi thiếu chuẩn mực của một người đàn ông ném cả nắm tiền xảy ra tại một quán ăn trên đường Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), được cho là đang công tác tại Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, ngay trong tối 2.10, lãnh đạo Sở này cho biết bước đầu đã xác định sự việc có liên quan đến cán bộ của Sở.
Theo đó, người trong đoạn clip nêu trên là ông Đ.C.P, hiện đang công tác tại Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng).
Lãnh đạo Sở TN-MT Đà Nẵng chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất làm rõ và xử lý nghiêm hành vi của cán bộ này theo quy định, báo cáo kết quả về giám đốc Sở trong ngày 3.10.2022. Sở TN-MT Đà Nẵng cũng cho biết, sẽ công khai kết quả xử lý trong thời gian sớm nhất.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng hành vi ứng xử của người đàn ông trong clip là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thể hiện thái độ coi thường người khác, gây mất an ninh trật tự.
Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của những người có liên quan, xác định hậu quả xảy ra để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người trong clip là cán bộ nhưng đã có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với người dân, thể hiện thái độ coi thường người khác và gây mất an ninh trật tự thì cần xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về kỷ luật công chức, kỷ luật đảng ở mức độ khiển trách hoặc cảnh cáo.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cán bộ, công chức cũng cần làm rõ nhân thân lai lịch của cán bộ, xem xét quá trình tu dưỡng rèn luyện và phẩm chất đạo đức của cán bộ này như thế nào. Trong trường hợp hành vi thể hiện đạo đức lối sống không phù hợp, thiếu tu dưỡng rèn luyện thì có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc, có thể chuyển công tác sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, nếu vi phạm hệ thống, không đủ năng lực phẩm chất thì cũng có thể cho thôi việc.
Ông Cường cho hay, hiện nay, quy định về kỷ luật cán bộ, công chức, kỷ luật viên chức được thực hiện theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
Theo đó, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách khi vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện…
Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức khi đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại Điều 8 Nghị định này mà tái phạm; có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này…
Bởi vậy, ông Đặng Văn Cường cho rằng trong trường hợp người đàn ông trong clip là cán bộ, công chức và hành vi được xác định là vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa, giao tiếp của cán bộ công chức thì người này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, ít nhất là mức độ khiển trách, nếu nghiêm trọng hơn có thể áp dụng hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Còn với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì phải xin lỗi và bồi thường thiệt nếu người bị xúc phạm có yêu cầu.
Trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy đã có hành vi gây rối trật tự công cộng thì hành vi gây rối trật tự công cộng cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 144 với mức xử phạt có thể tới 3.000.000 đồng.
"Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP" thì bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định 144.