Dịch tả bùng phát trở lại khiến nhiều người tử vong ở Haiti
Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:00, 03/10/2022
Trong một đợt bùng phát vào năm 2010, bệnh tả đã từng giết chết khoảng 10.000 người. Tổ chức Y tế liên Mỹ năm 2020 cho biết Haiti đã trải qua 1 năm không có ca bệnh tả nào được xác nhận.
Bộ Y tế Haiti trước đó đã xác nhận, có khoảng 7 - 8 người đã tử vong bởi bệnh tả. Trong đó, có một trường hợp ở khu vực thủ đô Port-au-Prince và có nhiều ca xảy ra ở thị trấn Cite Soleil bên ngoài thủ đô, nơi diễn ra các cuộc chiến băng đảng ác liệt vào tháng 7.
Kể từ tháng trước, các băng nhóm đã phong tỏa cảng nhiên liệu chính của đất nước sau thông báo tăng giá nhiên liệu. Nhiều bệnh viện đã đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động vì thiếu nhiên liệu để chạy máy phát điện. Hầu hết người dân hiện không thể sử dụng phương tiện đi lại cơ bản.
Công ty Caribbean Bottling, nhà cung cấp nước đóng chai chủ chốt, hôm 2.10 cho biết họ không thể tiếp tục sản xuất và phân phối nước vì đã hết nhiên liệu dầu diesel vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng của họ.
Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả (vibrio cholerae) gây ra, lây truyền bằng đường tiêu hóa. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là ỉa lỏng và nôn nhiều lần, nhanh chóng dẫn đến mất nước - điện giải, trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh được xếp vào loại bệnh "tối nguy hiểm".
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30.9, Trưởng nhóm phụ trách dịch tả của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Philippe Barboza cho biết thông thường, mỗi năm chỉ có chưa đến 20 nước phát hiện các ổ bùng phát dịch tả.
Tuy nhiên, sau nhiều năm ghi nhận chiều hướng giảm, từ đầu năm 2022 đến nay, số ổ dịch tả đã bùng phát nhiều một cách đáng lo ngại trên toàn thế giới. Đến nay, đã có 26 quốc gia phát hiện các ổ bùng phát dịch tả.
Tỷ lệ tử vong trung bình do bệnh này gây ra tính từ đầu năm đến nay cũng đã tăng gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình được ghi lại trong 5 năm gần nhất. Hiện tỷ lệ này ở châu Phi là 3%.
Hầu hết người nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng nếu không phát hiện và được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ.
Theo quan chức WHO, hiện trên thế giới chỉ còn vài triệu liều vắc xin phòng bệnh tả đủ dùng đến cuối năm nay. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung khan hiếm là không có nhiều nhà sản xuất loại vắc xin này.
WHO vẫn duy trì dự trữ vắc xin phòng bệnh tả cho tình huống khẩn cấp.