Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản

Chuyển động - Ngày đăng : 08:54, 04/10/2022

Ngày 4.10, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng 10 ngày.

Giới chức Nhật Bản phải khuyến cáo người dân tìm nơi trú ẩn khi tên lửa dường như bay qua lãnh thổ nước này rồi rơi xuống Thái Bình Dương. Tokyo không sử dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ nào để bắn hạ tên lửa.

tr01.jpg
Hệ thống khẩn cấp J-Alert của Nhật phát cảnh báo tên lửa có thể bay qua hai tỉnh Hokkaido và Aomori - Ảnh: Kyodo News

Phát ngôn viên chính phủ Nhật Hirokazu Matsuno chỉ trích: “Hàng loạt hành động của Triều Tiên, trong đó các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tục, đe dọa hòa bình và an ninh, đặt ra thách thức nghiêm trọng với cộng đồng quốc tế gồm cả Nhật”.

Thủ tướng Fumio Kishida cũng lên án những gì Bình Nhưỡng thực hiện là “man rợ”, đồng thời cho biết chính phủ Nhật sẽ tiếp tục thu thập và phân tích thông tin các vụ phóng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đánh giá diễn biến mới nhất là hành động “đáng tiếc”.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) xác định tên lửa bay qua Nhật là tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng từ tỉnh Jagang. Nhưng đài truyền hình Nhật TV Asahi lại dẫn nguồn tin trong chính phủ tiết lộ Bình Nhưỡng vừa phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, rơi xuống biển cách Nhật khoảng 3.000 km.

5 vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất phản ánh tốc độ thử vũ khí đáng kinh ngạc của Triều Tiên trong năm nay. Có thông tin nước này đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Một phân tích do Nikkei Asian Review thực hiện ghi nhận trong nửa đầu năm 2022, Triều Tiên chủ yếu phóng tên lửa tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn. Hơn 1/3 số tên lửa phóng từ năm 2019 bay theo quỹ đạo thay đổi khó đánh chặn hơn.

Theo học giả Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, phóng tên lửa qua Nhật cho phép Triều Tiên thử nghiệm vũ khí trong điều kiện thực tế. Tên lửa đạn đạo phải chịu tải trọng nhiệt cùng áp suất khí quyển khi bay tầm xa.

Cẩm Bình