Chứng sa sút trí tuệ làm tăng nguy cơ tự tử ở những người dưới 65 tuổi

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:48, 04/10/2022

Theo một nghiên cứu mới, chứng sa sút trí tuệ làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ tự tử trong 3 tháng đầu ở người được chẩn đoán mắc bệnh.

Trong một nghiên cứu theo dõi gần 600.000 người Anh trong 18 năm, cho thấy nguy cơ tự tử cao nhất trong 3 tháng đầu tiên sau khi được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ là ở những người dưới 65 tuổi. Họ có nguy cơ tử vong do tự tử cao gấp 6,5 lần so với người bình thường.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Charles Marshall, giảng viên cao cấp lâm sàng và nhà tư vấn về thần kinh học tại Viện Sức khỏe dân số Wolfson thuộc Đại học Queen Mary (Anh), cho biết: "Chẩn đoán sa sút trí tuệ có thể rất tàn khốc, nhưng giai đoạn ngay sau khi chẩn đoán thường là giai đoạn khó khăn nhất với bệnh nhân". 

Beth Kallmyer, Phó chủ tịch phụ trách chăm sóc và hỗ trợ của Hiệp hội Alzheimer, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Nhận được chẩn đoán sa sút trí tuệ ở ​​độ tuổi còn trẻ là rất hiếm, khiến người bệnh bất ngờ và khó chấp nhận. Điều quan trọng nhất để động viên bệnh nhân là cho họ thấy họ không đơn độc và luôn được sẵn sàng hỗ trợ". 

trieu-chung-sa-sut-tri-tue.jpeg
Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ - Ảnh: Internet

Chứng sa sút trí tuệ bao gồm một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng xã hội, có tác động đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân. Mặc dù sa sút trí tuệ nói chung liên quan đến mất trí nhớ nhưng nếu chỉ có triệu chứng mất trí nhớ thì không có nghĩa là bạn mắc sa sút trí tuệ. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ tiến triển ở người lớn tuổi. Tùy thuộc vào nguyên nhân, một số triệu chứng sa sút trí tuệ có thể được cải thiện.

Trước đây từng có nhiều nghiên cứu xác định mối liên hệ rõ ràng giữa sa sút trí tuệ nhớ và tự tử, trong đó có một nghiên cứu năm 2021 của các nhà khoa học Đại học Yale (Mỹ). "Những người trên 65 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer có nguy cơ tử vong do tự tử cao gấp đôi so với người cao tuổi không bị mắc bệnh", Kallmer nói thêm.

Theo Kallmer, hầu hết các trường hợp sa sút trí tuệ là ở người cao tuổi song tình trạng béo phì, tiểu đường và lối sống ít vận động ở những người trẻ tuổi đang gia tăng nhanh chóng, và đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Neurology, số người thực tế chết do tự tử sau khi phát hiện ra mình mắc chứng sa sút trí tuệ là 95 - con số chiếm phần rất nhỏ. Tuy nhiên, theo Marshall, điều đó không làm giảm giá trị của nghiên cứu trong việc xác định các phân nhóm dễ bị tổn thương nhất trong khoảng thời gian 3 tháng. 

Các nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện ra mối quan hệ giữa sa sút trí tuệ và tự tử ở những người được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ hơn. Trong khi nghiên cứu mới không thể xác định lý do tại sao điều này lại xay ra, Marshall đã chỉ ra một giả thuyết để giải thích cho hiện tượng này: "Cảm giác mình là gánh nặng là một yếu tố quan trọng dẫn đến hành vi tự tử. Nhận thức về gánh nặng đó có thể cao hơn ở những bệnh nhân trẻ mắc chứng sa sút trí tuệ, những người đang trong độ tuổi lao động cũng như có trách nhiệm chăm sóc gia đình", Marshall cho biết. 

Marshall cũng cho biết kết quả từ những nghiên cứu như thế này cho thấy rằng các bác sĩ nên tiến hành "đánh giá nguy cơ tiềm ẩn" đối với các dấu hiệu tự tử tại thời điểm chẩn đoán.

"Chúng tôi biết rằng bệnh Alzheimer giai đoạn đầu có thể gây ra tâm trạng lo lắng và cô lập xã hội. Những triệu chứng này có thể vừa là nguyên nhân vừa là dấu hiệu của nguy cơ tự tử", Marshall nói.

Được giáo dục về chứng sa sút trí tuệ và đặc biệt là bệnh Alzheimer là bước quan trọng đầu tiên trong việc hỗ trợ những người nhận trẻ được chẩn đoán mắc bệnh. Marshall khuyến nghị nên đưa ra các kế hoạch về sức khỏe và tài chính sớm để người bị sa sút trí tuệ có thể tham gia và quyết định.

Đan Thùy