Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ nhiều hơn để giữ chip tránh xa quân đội Trung Quốc

Thế giới số - Ngày đăng : 12:40, 04/10/2022

Mỹ dự kiến ​​sẽ công bố trong tuần này rằng biện pháp mới hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ cho phép tính toán hiệu suất cao, ba người nói ngắn gọn về vấn đề này với hãng tin Reuters.

Một nguồn tin cho biết các biện pháp này nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.

Tờ New York Times lần đầu tiên đưa tin về những hạn chế mới có thể có ngay trong tuần này, đồng thời cho biết thêm rằng Washington cũng có kế hoạch hạn chế bán các vi mạch do Mỹ sản xuất cho các dự án trung tâm dữ liệu và siêu máy tính mạnh nhất của Trung Quốc.

Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức về vấn đề trên và Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận.

Tháng trước, Reuters đưa tin chính quyền Biden lên kế hoạch vào tháng 10 để mở rộng hạn chế với các lô hàng từ Mỹ đến Trung Quốc của chất bán dẫn được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo và các công cụ sản xuất chip.

Các quy tắc này là một phần trong nỗ lực tăng cường của Mỹ nhằm kiểm soát công nghệ có thể hỗ trợ quân đội Trung Quốc. Như Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói vào tháng trước trong bài phát biểu đề cập đến Trung Quốc và Nga rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ "có thể là một tài sản chiến lược mới trong bộ công cụ của Mỹ cùng đồng minh để áp đặt chi phí lên đối thủ và thậm chí theo thời gian làm suy giảm khả năng chiến trường của họ".

Với các công nghệ như chip bộ nhớ và logic tiên tiến, ông Jake Sullivan nói: "Chúng ta phải duy trì càng nhiều khách hàng tiềm năng càng tốt”.

Reuters đưa tin vào tháng 8 rằng Mỹ đang xem xét hạn chế các lô hàng thiết bị sản xuất chip cho các công ty ở Trung Quốc, gồm cả Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC) - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất nước này.

Mới đây, ông Simon Yang, Giám đốc điều hành YMTC - công ty con của Tsinghua Unigroup kể từ khi thành lập vào năm 2016, đã rời khỏi vai trò giám đốc điều hành nhưng sẽ ở lại công ty với tư cách là phó chủ tịch, theo trang web tin tức ngành công nghiệp Trung Quốc - IC Rank.

Chen Nanxiang, chuyên gia kỳ cựu trong ngành và là cựu Phó tổng giám đốc hãng China Resources Microelectronics, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành YMTC, theo báo cáo.

Simon Yang từ chức vì lý do cá nhân, theo trang Tech News (Đài Loan). YMTC đã không trả lời câu hỏi về vấn đề này.

Simon Yang là kỹ sư được đào tạo tại Mỹ, từng làm việc tại Intel và GlobalFoundries trong hơn một thập kỷ. Ông là một trong những nhân vật hàng đầu trong việc thúc đẩy sự tự lực về công nghệ của Trung Quốc.

Năm 2001, Simon Yang trở thành một trong những thành viên sáng lập SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, và trở thành giám đốc điều hành công ty này năm 2010 trước khi từ chức vào năm sau.

Tháng 1.2013, hãng sản xuất chip nhớ Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp thông báo Simon Yang đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới của mình. Tsinghua Unigroup mua lại Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp vào năm 2016, khi nó được chuyển đổi thành YMTC.

Dưới sự lãnh đạo của Simon Yang, YMTC nhanh chóng phát triển thành một gã khổng lồ trong ngành. Theo truyền thông Trung Quốc, một trong những sản phẩm mới nhất của YMTC là chip 232 lớp, có thể xếp nó ngang hàng với các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu như Samsung Electronics, Micron và SK Hynix.

Sự phát triển của YMTC khiến Mỹ chú ý. Chính quyền Biden được cho là đang cân nhắc lệnh cấm bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cho các xưởng đúc chip NAND flash tiên tiến ở Trung Quốc, với lý do “mối đe dọa ngày càng tăng” do các hãng như YMTC gây ra với an ninh quốc gia và các công ty chip Mỹ.

Tin tức Apple đang xem xét sử dụng bộ nhớ flash của YMTC cho iPhone bán ở Trung Quốc cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của một số nhà lập pháp Mỹ. Tuần trước, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi xem xét an ninh quốc gia về một thỏa thuận tiềm năng giữa hai công ty, với lý do lo ngại về quyền riêng tư và lỗ hổng bảo mật.

Hôm 30.9, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa thông báo đã đưa ra luật để "áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt" YMTC, qua đó sẽ ngăn Apple sử dụng chip của công ty Trung Quốc.

YMTC đã bác bỏ tuyên bố từ các chính trị gia Mỹ rằng họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc, nhưng không bình luận công khai về triển vọng của các lệnh trừng phạt.

Công ty cũng kín tiếng về những đột phá mới nhất trong sản phẩm chip nhớ của mình.

my-han-che-xuat-khau-cong-nghe-nhieu-hon-de-giu-chip-tranh-xa-quan-doi-trung-quoc.jpg
Mỹ sắp công bố biện pháp mới hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ cho phép tính toán hiệu suất cao

Các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc khó có thành tựu về AI nếu thiếu chip Nvidia

Lệnh cấm bán chip Nvidia từ Mỹ hồi tháng trước là mối đe dọa trực tiếp với tham vọng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc.

Volcengine, dịch vụ đám mây dành cho doanh nghiệp của ByteDance, đã cắt giảm thời gian đào tạo cho mô hình nhận dạng hình ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI) từ 5 ngày xuống còn 3 ngày.

Nền tảng điện toán Alibaba Cloud Sinian đã đánh bại kỷ lục do Google nắm giữ bằng cách nhận dạng 1,078 triệu hình ảnh mỗi giây trong các tình huống ngoại tuyến.

NF5488A5 của Inspur, mẫu máy chủ lớn nhất Trung Quốc, được ca ngợi là sản phẩm đẳng cấp thế giới trong phân khúc hình ảnh y tế, nhận dạng giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Song những hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc sẽ không đạt được thành tựu nào nêu trên nếu không có các GPU (đơn vị xử lý đồ họa) mạnh mẽ được cung cấp bởi Nvidia (Mỹ). Gã khổng lồ GPU có trụ sở tại thành phố Santa Clara (Mỹ) đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của Trung Quốc trong AI, phân tích dữ liệu và sức mạnh tính toán.

Quyết định đột ngột từ chính phủ Mỹ vào tháng trước nhằm hạn chế Nvidia bán hai chip tiên tiến nhất của họ là A100 và H100 cho khách hàng ở Trung Quốc, đã gây xôn xao khắp các lĩnh vực AI, điện toán đám mây và xe thông minh của Trung Quốc. Lý do vì không có sản phẩm thay thế ngay lập tức cho các GPU Nvidia đào tạo các mô hình AI để lái xe tự động, phân tích ngữ nghĩa, nhận dạng hình ảnh, các biến thời tiết và phân tích dữ liệu lớn, theo những người trong ngành và các nhà phân tích công nghệ.

Mức độ đầy đủ mà lệnh cấm mới nhất từ Mỹ với công nghệ chip sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp hạ nguồn của Trung Quốc vẫn còn khó đánh giá. Nvidia cho biết đang cố gắng giảm thiểu tác động với khách hàng Trung Quốc, chẳng hạn như thay thế các GPU tiên tiến bằng các sản phẩm không phải tuân theo các yêu cầu cấp phép của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, một số công ty GPU Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng rằng lệnh cấm có thể mang lại cho họ cơ hội giành được các khách hàng cũ của Nvidia. Thế nhưng không khó để phát hiện tác động tâm lý từ biện pháp có mục tiêu này của Mỹ với các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tại cuộc họp quan trọng trong tháng 9 rằng Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển công nghệ quan trọng với an ninh quốc gia và áp dụng “toàn bộ hệ thống quốc gia mới” từ trên xuống để tìm kiếm đột phá. Bản tóm tắt nhận xét từ ông Tập Cận Bình không đề cập đến chất bán dẫn hoặc các hạn chế GPU mới nhất của Mỹ.

He Xiaopeng, người sáng lập Xpeng - một trong những nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc, đã bình luận trên tài khoản mạng xã hội rằng lệnh cấm chip Nvidia sẽ là một tin xấu với đào tạo lái xe tự động dựa trên đám mây, nhưng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến Xpeng vì họ mua những con chip tiên tiến cần thiết với số lượng đủ cho những năm tới.

Các đại lý cho biết một cuộc tranh giành chip Nvidia từ các khách hàng Trung Quốc dự kiến ​​sẽ diễn ra.

Một giám đốc bán hàng tại VSTECS Holdings (có trụ sở ở Thượng Hải) - nhà phân phối thiết bị viễn thông và dịch vụ đám mây lớn thứ hai Trung Quốc, cho biết tất cả các khách hàng Trung Quốc sẽ bắt đầu dự trữ các chip bị ảnh hưởng trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực. Nvidia nói rằng có thể tiếp tục vận chuyển chip AI từ cơ sở ở Hồng Kông đến tháng 9.2023.

Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở Trung Quốc sử dụng chip Nvidia trong các sản phẩm dựa trên GPU của họ. Nếu phần cứng này bị hạn chế vận chuyển đến Trung Quốc, nguồn cung cấp đám mây dựa trên GPU sẽ bị thiếu hụt và tác động sẽ rất lớn”, giám đốc bán hàng này cho biết, yêu cầu giấu tên vì không được phép trao đổi với giới truyền thông.

Hầu hết nhà cung cấp đám mây của Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba Cloud (thuộc sở hữu của Alibaba Group Holding), Tencent Cloud (thuộc sở hữu của Tencent Holdings) và Baidu Cloud, đã sử dụng chip từ các nhà cung cấp khác, chẳng hạn Intel và AMD, để cung cấp năng lượng cho cơ sở hạ tầng đám mây của họ. Nhiều máy chủ đám mây dựa vào các CPU (đơn vị xử lý trung tâm) sử dụng kiến ​​trúc dựa trên x86 hoặc Arm-based của Intel để thực hiện công việc nặng nhọc.

Thế nhưng, A100 (ra mắt vào năm 2020) và H100 (do TSMC sản xuất, dự kiến ​​sẽ sẵn sàng để xuất xưởng vào nửa cuối năm nay) của Nvidia có lợi thế trong việc xử lý các luồng tính toán song song, khổng lồ.

So với các CPU đa lõi của Intel và AMD, GPU của Nvidia sử dụng hàng ngàn lõi, khiến chúng trở nên lý tưởng cho các mô hình AI học máy và học sâu.

Mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu của Nvidia, bao gồm doanh số bán hai chip tiên tiến, là một trong những đơn vị phát triển nhanh nhất với doanh thu 3,8 tỉ USD trong quý tài chính kết thúc vào tháng 7.2022, với mức tăng trưởng mạnh hàng năm là 61%.

Khi trở thành cường quốc AI toàn cầu với gần 1 triệu doanh nghiệp tuyên bố có liên quan đến AI, Trung Quốc đã trở thành một “thị trường rất lớn” với Nvidia, theo ông Hoàng Nhân Huân.

Hoàng Nhân Huân là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia, doanh nhân người Mỹ gốc Đài Loan được nhiều người ở Trung Quốc kính trọng.

Nhu cầu từ Trung Quốc với chip của Nvidia là một lý do khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty này hiện gấp khoảng ba lần so với Intel. Trung Quốc nói chung chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán hàng tại Nvidia.

Nvidia cho biết thiệt hại doanh số bán hàng tối đa trong quý 3/2022 do lệnh cấm mới nhất của chính phủ Mỹ ước tính vào khoảng 400 triệu USD.

Tuy nhiên, tổn thương với Trung Quốc có thể sẽ sâu sắc hơn, điển hình là Huawei.

Các hạn chế thương mại của Mỹ với Huawei – gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, vốn đã cắt đứt quyền tiếp cận với các chip tiên tiến, đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh smartphone béo bở của họ. Mẫu smartphone Mate 50 mới nhất của Huawei thậm chí còn không hỗ trợ chức năng 5G, dù công ty này đã là người cổ vũ cho thiết bị mạng 5G trong nhiều năm.

Dù về mặt kỹ thuật, GPU tiên tiến có thể được thay thế bằng sự kết hợp của những GPU kém mạnh hơn cho một số chức năng nhất định, sự khác biệt có thể rất lớn và sức mạnh của A100 là một điểm bán hàng hấp dẫn với khách hàng Trung Quốc.

Chẳng hạn, cả Alibaba Cloud và Baidu Cloud đều đã kết hợp chip A100 vào một phần lớn cơ sở hạ tầng đám mây của họ để cung cấp năng lượng cho các dịch vụ đám mây dựa trên GPU.

Theo một báo cáo gần đây từ Reuters dựa trên các tài liệu đấu thầu của chính phủ, một số viện nghiên cứu chiến lược quan trọng nhất Trung Quốc, chẳng hạn như Đại học Thanh Hoa và Viện Công nghệ Máy tính tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS), cũng mua chip A100 của Nvidia.

Inspur, nhà sản xuất máy chủ hàng đầu của Trung Quốc, đã nêu bật việc tích hợp GPU A100 của Nvidia trong các sản phẩm của mình. Inspur nói với các nhà phân tích rằng họ đang tích cực trao với Nvidia về tình hình hiện tại.

Điều này lặp lại tuyên bố của Hoàng Nhân Huân rằng Nvidia đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khách hàng Trung Quốc. Thế nhưng, Hoàng Nhân Huân cũng cho biết các sản phẩm thay thế có thể “tồi tệ hơn với khối lượng công việc của khách hàng cần hiệu suất đầy đủ từ A100”.

Một giám đốc của Nvidia ở Trung Quốc (yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề) nói rằng các công ty AI của nước này có thể sẽ dành nhiều thời gian hơn để đào tạo các mô hình AI của họ. Điều này có thể làm chậm tiến độ phát triển AI của Trung Quốc. Trung Quốc có rất nhiều dữ liệu từ 1,4 tỉ cư dân của mình nhưng nước này vẫn dựa vào các chip mạnh mẽ để cải thiện các thuật toán của mình.

Sơn Vân