Đài Loan trước nguy cơ mất thêm đối tác ngoại giao

Quốc tế - Ngày đăng : 11:56, 05/10/2022

Một phát ngôn gần đây của Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benitez làm dấy lên lo ngại Đài Loan sắp mất một đối tác ngoại giao nữa.

Trả lời phỏng vấn trang The Financial Times tuần trước, Tổng thống Benitez cho biết các nhà sản xuất nông nghiệp ở Paraguay đang kêu gọi chính phủ cho phép tiếp cận thị trường Trung Quốc trong bối cảnh thịt bò rớt giá.

“Chúng tôi đang làm việc với nhà lãnh đạo Đài Loan để người dân Paraguay cảm nhận được lợi ích thực sự từ mối quan hệ đồng minh chiến lược. Có đến hơn 6 tỉ USD đầu tư từ Đài Loan vào các quốc gia chẳng hề thiết lập quan hệ ngoại giao với họ, nên chúng tôi mong muốn 1 tỉ USD được đầu tư vào Paraguay”, Tổng thống Benitez nói với The Financial Times.

Phát ngôn trên làm dấy lên lo ngại Đài Loan mất thêm một đối tác ngoại giao về tay Trung Quốc. Kể từ năm 2016 đến nay đã có 4 quốc gia Nam Mỹ “bỏ Đài theo Trung” khiến số đối tác ngoại giao của đảo tự trị giảm chỉ còn 14.

Tín hiệu từ Paraguay

Trung Quốc thường lôi kéo các đối tác ngoại giao của Đài Loan bằng hứa hẹn tăng cường thương mại, cho vay và đầu tư. Paraguay hiện là quốc gia lớn nhất trong số đối tác còn giữ quan hệ ngoại giao với đảo tự trị. Việc mất đi nước này sẽ đồng nghĩa với việc Đài Loan không còn đối tác nào ở Nam Mỹ nữa.

Sau khi Tổng thống Benitez đưa ra đề nghị gây lo ngại, Bộ Ngoại giao Paraguay phải lên tiếng đính chính: “Không có câu nào trong cuộc phỏng vấn, ngài tổng thống đề cập đến việc điều chỉnh quan với Đài Loan cả”. Họ cũng khẳng định quan chức hai bên đã làm rõ rằng trong quan hệ song phương không hề tồn tại điều kiện ràng buộc.

636745755622511921_1.jpg
Nếu mất Paraguay, Đài Loan sẽ không còn đối tác ngoại giao nào ở Nam Mỹ nữa - Ảnh: Merco Press

Tuy nhiên, nhà chính trị học Francisco Urdinez  (Đại học Công giáo Giáo hoàng Chile) nhận xét phát ngôn của Tổng thống Benitez có thể là dấu hiệu cho thấy Paraguay đang cân nhắc những lựa chọn ngoại giao khác.

“Tôi nghĩ Paraguay cố thể hiện sự mơ hồ và muốn chứng tỏ họ không cam kết duy trì quan hệ với Đài Loan. Giới kinh doanh ngành nông nghiệp Paraguay có thể bắt đầu vận động hành lang thúc đẩy thay đổi đối tác ngoại giao. Lý do rất rõ ràng: lợi thế so sánh và lợi nhuận khi bán được sản phẩm đến thị trường lớn hơn”, theo nhà chính trị học Urdinez.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy năm ngoái, nhà chính trị học Urdinez cùng giáo sư Tom Long (Đại học Warwick) ước tính quan hệ ngoại giao với Đài Loan khiến Paraguay mất viện trợ cùng đầu tư từ Trung Quốc tương đương 1% GDP từ năm 2005 đến 2014. Đầu tư từ Đài Loan không đủ sức bù đắp.

Thế khó của Đài Loan

Nhà chính trị học Urdinez lưu ý việc Tổng thống Benitez đề nghị đầu tư nhiều hơn là vấn đề lớn đối với Đài Loan.

“So với Trung Quốc, chính quyền Đài Loan không có đòn bẩy để buộc doanh nghiệp tư nhân đầu tư 1 tỉ USD vào Paraguay. Phía Bắc Kinh có đòn bẩy với doanh nghiệp nhà nước và thông qua thỏa thuận giữa hai chính phủ đảm bảo lượng vốn nhất định có thể đến. Đây thực sự là tình huống khó khăn cho Đài Loan”, nhà chính trị học Urdinez phân tích.

Theo số liệu từ trang Bloomberg, thương mại Đài Loan - Paraguay năm 2021 đạt mức kỷ lục 196 triệu USD, nhưng chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch thương mại của quốc gia Nam Mỹ thời điểm đó.

Paraguay có GDP khoảng 39 tỉ USD, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu đậu nành và thịt bò. Nước này là quốc gia cung cấp thịt bò lớn nhất của Đài Loan.

Một số chuyên gia đánh giá rất khó để quan hệ thương mại Đài Loan - Paraguay mở rộng. Trong khi đó Paraguay lại luôn muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc vì đây là một trong những thị trường lớn nhất thế giới với nhu cầu thịt bò cao, theo giáo sư Cung Quốc Uy (Đại học Đạm Giang).

Giáo sư Cung chỉ ra rằng dù Đài Loan thường cử phái đoàn thương mại sang tìm cách mua thêm sản phẩm từ Paraguay, danh sách sản phẩm mà đảo tự trị có thể mua lại khá hạn chế. Ông nhận định: “Tôi nghĩ Tổng thống Benitez nên tái đánh giá lĩnh vực nào mà các đối tác có thể đầu tư, hoặc cơ hội nào trong thương mại Đài Loan - Paraguay”.

Nhà chính trị học Urdinez còn nhận định ngoài lý do kinh tế, việc Paraguay khó khăn trong tiếp cận vắc xin COVID-19 cũng tác động đến dư luận xung quanh quan hệ với Đài Loan.

Đến nay chỉ có khoảng 50% dân số Paraguay được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 63,5%. Quốc gia Nam Mỹ này phải thông qua bên thứ 3 để có được vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

Chiến lược ngoại giao sắp tới

Dù hiện tại hai bên đảm bảo quan hệ Đài Loan - Paraguay vẫn bền chặt, nhưng quốc gia Nam Mỹ này sắp có thay đổi về nhân vật lãnh đạo sau cuộc bầu cử tổng thống năm tới. Vấn đề “bỏ Đài theo Trung” có khả năng sẽ nóng trở lại.

Liên minh cánh tả ở Paraguay không hề giấu diếm ý định chuyển sang lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhà chính trị học Urdinez nhắc nhở.

Tiến sĩ Sana Hashmi thuộc Tổ chức Giao lưu Đài Loan - châu Á đánh giá việc mất thêm đối tác ngoại giao là một bước lùi lớn. Bà kêu gọi đảo tự trị xem xét lại chiến lược ngoại giao cho tương lai.

“Tôi tin quan hệ ngoại giao cần tồn tại trên cơ sở cùng có lợi. Chúng ta cũng phải nhìn thấy lợi ích hữu hình. Đài Loan cần tiếp cận quốc gia có tiếng nói lớn, thúc đẩy họ hợp tác. Ví dụ khi Mỹ, Nhật Bản hay Ấn độ nhắc đến Đài Loan thì đây là tin tức lớn, đem lại sức nặng lẫn tác động lớn”, theo tiến sĩ Hashmi.

Giáo sư Cung kêu gọi Đài Loan cần cố gắng hết mình: “Dù hiện nay Mỹ, Nhật, EU ủng hộ Đài Loan, nhưng giữa việc 20 - 30 đối tác giúp bày tỏ tiếng nói tại Liên Hợp Quốc với việc chỉ có 8 - 10 đối tác lên tiếng ủng hộ, thì có khác biệt rất lớn”.

Cẩm Bình