CIA muốn hồi sinh voi ma mút
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:54, 05/10/2022
In-Q-Tel, nhà đầu tư mới của Colossal (trụ sở ở bang Texas, Mỹ), được đăng ký là một công ty đầu tư mạo hiểm phi lợi nhuận do Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tài trợ, cho biết gần đây công ty đã thể hiện sự quan tâm đến công nghệ sinh học và giải trình tự DNA.
In-Q-Tel tháng trước đã đăng tải thông báo, trong đó giải thích vì sao quan tâm đến một công ty như Colossal, được thành lập với sứ mệnh hồi sinh loài voi ma mút và các loài khác vốn đã tuyệt chủng. Công ty này cho biết việc đầu tư là có cơ sở bởi "sự dẫn đầu trong công nghệ sinh học sẽ cho phép Mỹ giúp thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức, cũng như công nghệ, cho việc sử dụng công nghệ này”.
Chính phủ Mỹ hiện tích cực theo dõi những tiến bộ mới nhất trong công nghệ sinh học. Sự hồi sinh của một loài đã tuyệt chủng sẽ đánh dấu bước nhảy vọt lớn về công nghệ và cả những tác động từ bảo tồn cho đến y học. Công nghệ như thế có thể giúp định hình lại các hệ sinh vật, một dạng kỹ thuật có thể sẽ là một phần lý do của các tranh chấp quốc gia trong tương lai.
"Để ngành công nghệ sinh học và kinh tế sinh học rộng lớn mạnh hơn là rất quan trọng để nhân loại phát triển hơn nữa. Điều quan trọng là tất cả các khía cạnh trong đời sống đều cần chính phủ đầu tư phát triển, nhằm hiểu rõ những gì có thể xảy ra", đồng sáng lập Colossal, Ben Lamm cho biết.
Được biết voi ma mút là sinh vật khổng lồ, sống từ khoảng 5 triệu năm đến khoảng 4.000 năm trước. Loài voi này tuyệt chủng cùng thời điểm các sông băng Kỷ băng hà biến mất và việc xây dựng các kim tự tháp lớn của Ai Cập.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tìm cách giải trình tự bộ gien của voi ma mút bằng cách sử dụng DNA được phục hồi trong các hóa thạch. Colossal mong muốn đưa các loài động vật đã tuyệt chủng như voi ma mút và thậm chí cả hổ Tasmania trở lại bằng cách sử dụng chỉnh sửa gien CRISPR.
"Colossal sẽ cách mạng hóa lịch sử và là công ty đầu tiên sử dụng thành công công nghệ CRISPR trong việc hồi sinh các loài đã mất tích trước đây”, Colossal tuyên bố trên trang web của mình.
Được biết CRISPR, viết tắt của cụm từ Clustered Regular Interspaced Short Palindromic Repeats, hoạt động bằng cách tách và lai tạo các gien cơ bản. Colossal cho biết họ sẽ dùng CRISPR để ghép ADN của voi ma mút với AND của voi châu Á (họ hàng gần nhất của voi ma mút) nhằm tạo ra phôi lai, sau đó được cấy vào tử cung của một con voi châu Phi khỏe mạnh.
Con voi ma mút được sinh ra sẽ được đưa trở lại môi trường sống khi xưa của loài voi ma mút, từng là quần thể sinh vật rộng lớn nhất Trái đất. Theo Colossal, việc khôi phục voi ma mút sẽ giúp giảm tốc độ tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, ngăn chặn sự phát thải khí nhà kính được lưu trữ bên trong, và cũng giúp cứu loài voi hiện đại khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý rằng việc “hồi sinh” loài vật đã tuyệt chủng từ lâu một điều tốt.
Jeremy Austin, Giáo sư Đại học Adelaide và là Giám đốc Trung tâm ADN cổ đại của Úc, nói với tờ Sydney Morning Herald rằng: “Phục hồi loài vật đã tuyệt chủng chỉ là một loại khoa học cổ tích. Điều khá rõ ràng đối với những người như tôi rằng việc hồi sinh voi ma mút hay cá hổ Tasmania chỉ là động thái gây chú ý với giới truyền thông hơn là nghiên cứu khoa học nghiêm túc”.
Về phần mình, đồng sáng lập Colossal, ông Ben Lamm cho biết: "Những người chỉ trích nói việc phục hồi các gien cổ đại để hồi sinh các loài đã tuyệt chủng là không thể có lẽ do họ không được cung cấp đầy đủ thông tin và thiếu kiến thức về khoa học... Chúng tôi sẽ phát triển các công nghệ mà chúng tôi hy vọng sẽ có lợi cho cả việc chăm sóc sức khỏe con người cũng như bảo tồn sinh học”.