Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tăng trưởng quý 3 13,67% rất đúng thực chất

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 06/10/2022

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng kết quả tăng trưởng trong quý 3 năm nay với con số 13,67% không phải ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất do nền kinh tế đang phục hồi.

Chiều 5.10, Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định".

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá Nghị quyết 128 là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát vi rút, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá chuyển sang trạng thái chung sống với COVID-19; cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cộng với việc mở cửa phát triển kinh tế - xã hội.

“Đại dịch COVID-19 đã tạo tác động rất lớn đối với Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần đánh giá đầy đủ những tác động về mặt xã hội. Trong đó rất nhiều người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung. Vì vậy phải cân bằng các biện pháp khi mở cửa nền kinh tế”, TS Angela Pratt nói và cho rằng Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra nghị quyết này.

who.jpg
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - Ảnh: VGP

Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam cho rằng Nghị quyết 128/NQ-CP phản ánh sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam.

“Chiến lược này cũng được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi. Hiện tại hầu hết các quốc gia đang chấp nhận sống chung với vi rút, tức vừa chống COVID-19, vừa đồng thời phát triển kinh tế. Sự thay đổi này có ý nghĩa to lớn giúp duy trì các chuỗi cung ứng cũng như thu hút sự quan tâm của các công ty FDI khi đầu tư vào Việt Nam”, đại diện AmCham nêu.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cũng nêu rằng Nghị quyết 128 có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước.

“Thời điểm cuối tháng 9.2021, khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP, mức giảm rất sâu, âm 6%. Nguyên nhân là khi đó chúng ta kiểm soát dịch bệnh bằng cách hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm hạn chế sự lây lan. Việc kinh tế tăng trưởng âm cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, Nghị quyết 128 ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Ngay quý 4/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Từ đó cho đến nay, bước sang quý 3/2022, cùng với Nghị quyết 128 là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế.

“Với các giải pháp bổ sung như vậy, đến nay chúng ta thấy rõ sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và sự phục hồi đó được duy trì cho đến nay, hướng đến tăng trưởng bền vững trong thời gian tới”, ông Phương nêu.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho biết Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả tăng trưởng quý 3 và 9 tháng năm nay với con số tăng trưởng GDP là 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Lý do, quý 3/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Đây là con số ta chưa bao giờ thấy được khi kết quả tăng trưởng GDP lên tới 2 con số và bình quân 9 tháng đạt tăng trưởng 8,83%, cũng là mức tăng trưởng cao”, ông Phương nêu và nhấn mạnh “kết quả tăng trưởng trong quý 3 năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi”.

phuong.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thời điểm dịch bệnh diễn ra và sau dịch bệnh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong năm nay, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao nhưng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.

Về dịch vụ, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa có dịch COVID-19. Mặc dù vậy, những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.

“Có thể thấy, Nghị quyết 128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như hiện nay”, ông Phương nói.

Lam Thanh