Chi phí đầu vào tăng 1% trở lên, EVN được điều chỉnh giá điện
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:06, 06/10/2022
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về dự thảo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Dự thảo quy định, nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1.10 của năm đó.
Còn chu kỳ tính toán và điều chỉnh giá điện được quy định thực hiện 1 lần/năm. Dự thảo quy định rõ trước ngày 1.8 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân của năm căn cứ các số liệu nêu trên và quy định thời điểm điều chỉnh giá điện cố định vào ngày 1.10 hàng năm.
EVN được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%. Trường hợp khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo. Sau khi Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.
Với trường hợp tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.
Nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện, Dự thảo đề nghị khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh (thay vì mức 3% như quy định hiện hành).
Giới chuyên gia cho rằng, Dự thảo của Bộ Công Thương mới chỉ làm rõ cơ chế tăng và chưa làm rõ cơ chế giảm. Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng giá điện sẽ tăng nhiều hơn giảm thời gian tới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau "cú sốc" COVID-19.
Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất rút cách tính giá điện xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc (rút gọn bậc 1 và 2); bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước. Như vậy, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, cao nhất 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng/kWh đang áp dụng.
Theo Bộ Công Thương, sự điều chỉnh này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại.
Ví dụ, một hộ sinh hoạt sử dụng dưới 270 kWh/tháng, với quy định hiện hành sẽ tính theo bậc 4 nhưng ở phương án đề xuất sẽ theo bậc 3 (với mức giá cao hơn). Do đó, tiền điện tăng thêm bình quân khoảng 2,32% và mức tăng tối đa gần 4,5% so với hiện nay.
Ngược lại, hộ sử dụng từ 280 kWh đến 1.100 kWh lại giảm tiền điện trung bình khoảng 2,47% và mức giảm nhiều nhất là 4,82%, trong khi các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên sẽ chịu tiền điện tăng bình quân 3,87%.
Phương án tính giá điện theo 4 bậc được đánh giá là đơn giản trong áp dụng, phù hợp với xu thế cải tiến. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm tăng tiền điện phải trả với các hộ có mức sử dụng 119-232 kWh/tháng và trên 806 kWh/tháng. Với mức tăng tiền điện mỗi hộ tối đa 12.100 đồng/tháng, cơ quan quản lý đánh giá không có tác dụng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.