Hàn Quốc lo ngại siêu tiêm kích F-35 của Mỹ có nhiều sai sót
Quốc tế - Ngày đăng : 17:07, 07/10/2022
Theo Diplomat, lực lượng không quân Hàn Quốc (RoKAF) đã gặp khó khăn đáng kể với hai phi đội máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35 mới, 40 chiếc trong số đó đã được giao để đáp ứng đơn đặt hàng vào năm 2014, cùng với 20 chiếc nữa hiện đang được lắp ráp để thành lập một phi đội thứ 3.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của lực lượng không quân, được thu thập bởi Shin Won-min, một thành viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc, các cuộc kiểm tra đã phát hiện ra những chiếc F-35 mắc phải 234 lỗi trong vòng 18 tháng, từ tháng 1.2021 đến tháng 6.2022. Dữ liệu cũng ghi nhận có rất ít cải thiện trong nửa đầu năm 2022.
“F-35A được giới thiệu với ngân sách rất lớn nhằm giải quyết vấn đề máy bay chiến đấu lỗi thời và tăng cường hiệu quả chiến đấu chống lại Triều Tiên. Trong trường hợp các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên leo thang, lực lượng tác chiến nòng cốt này không thể hoạt động bình thường được”, ông Shin cảnh báo về hệ lụy của vấn đề này.
Một cuộc kiểm tra vào tháng 6 vừa qua cho thấy F-35 gặp phải các vấn đề liên quan tới hệ thống điện tử hàng không và buộc phải hủy bỏ các chuyến bay ngay lập tức. Một chiếc F-35 hồi tháng 5 đã được đưa đi bảo dưỡng do những bất thường trong hệ thống kiểm soát hỏa lực. Một máy bay khác hồi đầu năm nay cũng đã gặp sự cố khi thiết bị hạ cánh không hoạt động. Những vấn đề như vậy đã khiến quân đội Hàn Quốc trì hoãn việc sử dụng các máy bay F-35 trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tháng, đồng thời làm tăng thêm các mối lo ngại về khả năng thực sự của chiến đấu cơ Mỹ trong tình huống thời chiến khi độ tin cậy cao là yếu tố quan trọng.
“Mặc dù có thể có sự bất thường trong một số máy bay nhất định, nhưng tình hình của F-35 là đặc biệt nghiêm trọng. Lực lượng không quân Hàn Quốc đã tuyên bố rằng sẽ cần thêm thời gian để quá trình vận hành và sửa chữa các máy bay chiến đấu F-35 mới trở nên trơn tru hơn”, quan chức quốc phòng Hàn Quốc giấu tên cho hay.
Được biết, chiến đấu cơ F-35 Lightning (tia chớp) là tên gọi chung cho 3 biến thể khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C, tất cả đều có khả năng tàng hình, được Hãng Lockheed Martin đưa vào nghiên cứu từ năm 2000, là dự án chế tạo vũ khí lớn nhất nước Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh và sẽ kéo dài đến năm 2035, trung bình mỗi năm dự kiến xuất xưởng 100 chiếc.
F-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 duy nhất còn lại được sản xuất. Loại máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi này có khả năng tàng hình, và thực hiện các nhiệm vụ như: yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật, được tối ưu hóa cho các nhiệm vụ tấn công và chế áp phòng không. Điều này khiến F-35 có khả năng lý tưởng để đối phó với mạng lưới tên lửa đất đối không cực kỳ dày đặc của Triều Tiên.
Ngoài ra, F-35 thực sự là lựa chọn duy nhất của Hàn Quốc để đảm bảo tính ngang bằng về công nghệ với nước láng giềng Nhật Bản - quốc gia được thiết lập để trở thành nhà khai thác F-35 lớn nhất ngoài quân đội Mỹ, cũng như với Trung Quốc - nước hiện đã phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Được phát triển theo chương trình vũ khí lớn nhất trong lịch sử, với chi phí ước tính hơn 1,6 nghìn tỉ USD, F-35 đã được nhiều người mô tả là "thất bại quá lớn". Tuy nhiên, vào tháng 4.2021, Phó tham mưu trưởng về chiến lược của không quân Mỹ, trung tướng Clint Hinote, cảnh báo rằng phiên bản hiện tại của F-35 rất khó có thể đóng góp vào khả năng tác chiến cường độ cao trong tương lai do các vấn đề về hiệu suất trên diện rộng.
Cố Thượng nghị sĩ John McCain - người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ vũ trang thượng viện cũng đã từng nhấn mạnh rằng “thành tích hoạt động của chương trình F-35 vừa là một vụ bê bối, vừa là một bi kịch về chi phí, thời gian và hiệu suất”.
Sau 16 năm sau kể từ khi F-35 được bay trên trời, số lượng lỗi được báo cáo lên tới con số khoảng 800 vào cuối năm 2022. Trong khi các lỗi mới tiếp tục được phát hiện thì các lỗi cũ vẫn mất nhiều thời gian để được sửa chữa.
Mặc dù có nhiều hy vọng rằng F-35 sẽ được cải thiện theo thời gian, nhưng tốc độ giải quyết các khiếm khuyết có nghĩa là có thể sẽ mất nhiều năm nữa. Không quân Mỹ cho biết họ đang xem xét các giải pháp trước mắt bằng việc cắt giảm đáng kể các thương vụ mua bán F-35 đã được ký kết và đưa ra phương án thay thế.
Hàn Quốc hiện cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình theo chương trình KF-21, được kỳ vọng sẽ cung cấp cho quân đội nước này nhiều lựa chọn hơn để đa dạng hóa đội bay của mình mà không đặt hàng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 như F-35. Chiến đấu cơ KF-21 đã được bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 7 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030.