Na Uy vừa là ‘anh hùng và tội đồ’ trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Chuyển động - Ngày đăng : 16:06, 09/10/2022

Châu Âu dù rất cần nguồn khí đốt do Na Uy xuất khẩu, nhưng lục địa này cũng chỉ trích xứ sở của giải Nobel "trục lợi" từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Hơn 7 tháng sau khi bùng nổ chiến tranh ở Ukraine, Na Uy trở thành nguồn cung ứng khí hóa lỏng LNG hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Khối này đã giảm lệ thuộc vào khí đốt Nga và chào đón tuyến ống dẫn khí mới từ Na Uy qua Ba Lan.

norway-washington-post(1).jpg
Cừu chạy dọc bờ biển gần nhà máy khí đốt ở Na Uy - Ảnh: Washington Post

Xứ sở của Nobel Hòa bình bị cáo buộc “trục lợi từ chiến tranh”

Trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng châu Âu, các nước EU dựa vào dòng khí đốt của Na Uy để có thể “sống sót” qua những tháng mùa đông sắp tới, cũng như để giúp họ trữ khí đốt cho nhiều năm kế tiếp.  

Thế nhưng theo báo Mỹ Washington Post, dù Na Uy cung cấp khí đốt cho châu Âu, nước này lại phải đối mặt với những lời chỉ trích từ lục địa, gồm cáo buộc Na Uy “trục lợi từ chiến tranh” ở Ukraine để có được nguồn doanh thu từ dầu khí xuất khẩu.

Thực tế mà nói, cuộc chiến ở Ukraine đang khiến Na Uy giàu hơn. Nước này đang là một “tay chơi” lớn trong ngành dầu khí, và dự kiến trong năm nay Oslo sẽ thu về 109 tỉ USD tiền bán dầu, tăng 82 tỉ USD so với năm 2021. Đa phần khoản tiền này sẽ được đưa vào quỹ tài sản chủ quyền của Na Uy vốn trị giá hơn 1 ngàn tỉ USD.

Sự chỉ trích gọi nguồn doanh thu này là “bẩn thỉu”, với lãnh đạo Ba Lan kêu gọi Na Uy chia sẻ nguồn lợi nhuận “khổng lồ, quá đáng” với Ukraine, đồng thời cáo buộc Oslo gián tiếp “săn mồi” từ cuộc chiến ở Ukraine.

Các quan chức Na Uy đã bác bỏ cáo buộc trục lợi. Họ khẳng định giá bán cao là một kết quả không thể tránh khỏi của sự khan hiếm thị trường. Và họ nhắc Na Uy có ủng hộ EU trong việc trừng phạt Nga, hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và nhất là nỗ lực của nước này nhằm cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu

Andreas Bjelland Eriksen, Quốc vụ khanh Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy, bác bỏ cáo buộc Na Uy đang thu lợi quá mức từ chiến tranh, và ông nhấn mạnh rằng giá năng lượng cao cũng “gây tổn hại cho Na Uy”, đồng thời lưu ý việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông nói: “Châu Âu nhận thấy  rằng chúng tôi là một đối tác tốt”.

Trong riêng tư, các quan chức và nhà ngoại giao EU đã thừa nhận rằng thật khó chịu khi khối đã dành năm 2021 để yêu cầu Na Uy không khoan dầu khí ở Bắc Cực nhằm kéo giảm tình trạng biến đổi khí hậu, để rồi qua năm 2022 lại phải cầu cạnh Na Uy để được giảm giá nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, theo một quan chức EU giấu tên, chiến tranh ở Ukraine đã thay đổi cuộc chơi, và việc lên án Na Uy - nước tham gia thúc đẩy hòa bình, cung cấp viện trợ - là một kẻ trục lợi chiến tranh thì không khác gì “đấm vào chỗ đau nhất của họ”.

norway-washington-post2.jpg
Bảo tàng dầu khí Na Uy - Ảnh : Washington Post 

Na Uy giống “người trúng số bị họ hàng xa kèo nài giúp đỡ”

Trọng tâm của cuộc tranh luận đề tài “trục lợi từ chiến tranh” là những câu hỏi về ý nghĩa của việc Na Uy “làm việc tốt” về năng lượng - trong bối cảnh chiến tranh, lạm phát và khủng hoảng khí hậu.

Những vấn đề này đã trở thành tâm điểm vào tuần qua, khi Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store đã cùng các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Prague, trong đó trọng tâm là chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine phản ứng của châu Âu.

Ngày 6.10, EU và Na Uy cho biết họ đã đồng ý “cùng nhau phát triển các công cụ” để ổn định thị trường năng lượng và “giảm giá bán quá cao một cách có ý nghĩa” - nhưng không nói sẽ làm thế nào.

Bà Karin S. Thorburn, giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế Na Uy cho biết: nhiều người Na Uy nói họ sử dụng năng lượng sạch để sưởi ấm nhà cửa và lái xe điện, chỉ đơn thuần là bán nhiên liệu hóa thạch cho người khác đốt.

Trong khi đó,  người trong ngành dầu khí Na Uy lại giống như những người trúng số, mệt mỏi với những cuộc gọi “đòi chia tiền từ những người tự nhận là anh em họ xa”, theo Washington Post.

Một số người còn đặt câu hỏi tại sao Na Uy lại phải cứu trợ các quốc gia như Đức vốn đã trở nên giàu có bằng cách dựa vào nguồn dầu khí dồi dào và rẻ của Nga.

Từ nhiều tháng qua, một nhóm nhỏ các nhà lập pháp Na Uy đã kêu gọi nên đưa khoản lợi nhuận từ dầu mỏ đã vượt quá mức dự đoán cho năm 2022 vào “quỹ đóng góp đoàn kết”.

Họ lập luận rằng “thật không công bằng và không khôn ngoan” khi tích trữ quá nhiều, trong khi người dân Ukraine phải chịu thiệt hại, các nền kinh tế châu Âu đứng bên bờ vực suy thoái và giá hàng hóa tăng cao đã tác động đến các nước đang phát triển.

EU đã đồng ý đánh thuế lợi tức phụ thu đối với một số nhà sản xuất năng lượng và lập một quỹ “đóng góp đoàn kết” từ các công ty nhiên liệu hóa thạch, và số tiền thu được sẽ được sử dụng để giảm bớt tác động của giá điện cao đối với người tiêu dùng trong khu vực EU.

Một số người hy vọng rằng Na Uy (không phải là một thành viên EU) sẽ quyết định tham gia hoặc làm việc với EU về các biện pháp khác, chẳng hạn như áp mức trần giá khí đốt.

Thế nhưng chính phủ Na Uy đã tỏ ra không mấy hào hứng với cả hai mặt. Khi được hỏi về giá bán cao, các quan chức đáp rằng đó là một câu hỏi cho ngành, hỏi ngành thì được trả lời đó là vấn đề của các quan chức. 

Châu Âu phải trả giá vì từng không giúp đỡ Na Uy năm 2014

Ở Stavanger, trung tâm lĩnh vực dầu khí của Na Uy, hậu quả từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã mang lại một sự thay đổi về vận mệnh.

Việc phát hiện ra dầu ngoài khơi vào cuối những năm 1960 ở đây đã giúp Na Uy trở nên giàu có. Nhưng những lo ngại về biến đổi khí hậu đã đặt một dấu chấm hỏi về tương lai của thành phố, cho đến khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine.

Kolbjorn Andreassen, giám đốc truyền thông của Offshore Norge, một hiệp hội ngành có trụ sở tại Stavanger, cho biết: “Chúng tôi đã đi từ con số 0 trở thành anh hùng trong một thời gian ngắn. Mọi người đã không chú ý đến vai trò của chúng tôi trong an ninh năng lượng. Họ chỉ coi chúng tôi là những kẻ phát khí thải nhà kính. Giờ đây, châu Âu nhận ra rằng họ thực sự cần chúng tôi như thế nào”.

Nhu cầu cao và nguồn cung thấp đã dẫn đến giá cả cao ngất ngưởng, một động lực mà ông Andreassen và những người khác trong lĩnh vực dầu khí của Na Uy coi như một thực tế tự nhiên của cuộc sống.

Frode Leversund, giám đốc điều hành của tuyến ống dẫn khí Gassco của Na Uy chuyên vận chuyển khí đốt đến châu Âu, cho biết: “Tôi đã thấy giá thấp và giá cao trong nhiều thập kỷ qua. Hiện tại, Leversund cho biết, ông đang tập trung vào việc cung cấp khí đốt.

Bjorn Vidar Leroen, một cựu quan chức thâm niên trong ngành và là tác giả của một cuốn sách về lịch sử mỏ khí Troll, cho biết: “EU và Ủy ban châu Âu đang phàn nàn về giá cả, nhưng đây là giá dựa trên thị trường. Đây là cái giá bạn phải trả ngày hôm nay”.

Cuốn sách của ông được xuất bản vào những năm 1990, kể về câu chuyện của những “bộ óc táo bạo” đã phát hiện ra một trong những mỏ khí đốt lớn của Na Uy và quyết định phát triển nó một cách hợp lý, đưa phần lớn thu nhập vào Quỹ tài sản có chủ quyền của Na Uy.

Lời nói đầu của cuốn sách được viết bởi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, lúc đó là Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Na Uy, dự đoán rằng mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ giữa người mua và người bán sẽ giữ cho khí đốt từ Na Uy chảy sang châu Âu “trong nhiều thế hệ sau”.

Tuy nhiên trong 20 năm qua, châu Âu đã tự do hóa thị trường khí đốt, chuyển từ hợp đồng dài hạn giữa người mua và người bán sang định giá giao ngay. Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá giao ngay tăng vọt, dẫn đến tình trạng khủng hoảng như hiện nay.

Leroen không mấy thiện cảm với người mua châu Âu, nói: “Chỉ cần họ ký hợp đồng dài hạn, giá sẽ thấp hơn”.

Ông cũng nhắc việc châu Âu đã không vội vàng giúp đỡ Na Uy vào năm 2014, khi giá dầu giảm dẫn đến mất việc làm và tình trạng bất ổn lao động ở nước này.

Đề tài “trục lợi từ chiến tranh” đang diễn ra song song với cuộc tranh luận về vai trò của Quỹ tài sản có chủ quyền và những gì các nhà hoạch định chính sách nợ công dân Na Uy.

Theo ước tính của Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, chính phủ Na Uy đã đầu tư 2,3 tỉ USD để giảm giá điện, trong số các biện pháp khác.

Nhưng ở trên bờ biển từ Stavanger, không xa nơi có đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu, Ingunn Johannessen, một chủ cửa hàng thế hệ thứ năm, đang phải rút ổ điện tủ đông và băn khoăn về mùa đông sắp tới.

Kể từ năm 1851, gia đình Johannessen đã điều hành một cửa hàng tổng hợp nhỏ, bán thực phẩm, dụng cụ câu cá và dụng cụ cho các ngôi làng dọc theo bờ biển. Bà đã vượt qua những thăng trầm của cuộc sống cũng như vượt qua đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa giá thực phẩm và điện cao hơn đang gây khó khăn cho bà : “Tôi thực sự bực mình về hóa đơn tiền điện”.

Bà nói chính quyền địa phương kiếm được rất nhiều tiền từ tuyến ống dẫn khí Gassco nên có thể giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động của cộng đồng. Và bà muốn chính phủ Na Uy làm được nhiều hơn nữa từ nguồn thuế lợi tức phụ thu có được : “Tiền sẽ đến tay những người cần”.

Ingrid Liland, phó lãnh đạo của Đảng Xanh Na Uy, cho biết xem ra những kêu gọi Na Uy phát huy ưu điểm “hay làm việc tốt” đã có tác động, thúc đẩy chính phủ hợp tác chặt chẽ hơn với châu Âu.

Bà cũng mong đợi các công ty Na Uy tìm kiếm các hợp đồng dài hạn hơn, điều sẽ mang lại cho các công ty một dòng doanh thu có thể dự đoán được, đồng thời cho phép khách hàng cam kết chốt giá thấp hơn mức hiện hành. Nước Anh được cho là đang khai thác ý tưởng này.

Tuy nhiên, các hợp đồng dài hạn cũng có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu khí hậu của Na Uy. Bà Liland hy vọng chính phủ Na Uy sẽ thể hiện tình đoàn kết với châu Âu mà không phải hy sinh các mục tiêu khí hậu.

Bà nói: “Trong lịch sử, Na Uy từng đóng một vai trò tích cực quan trọng trong việc xử lý xung đột. Chúng tôi có thể đảm nhận vai trò này một lần nữa”.

Bảo Vĩnh