Nhật Bản nỗ lực tận dụng bùn thải làm phân bón
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:34, 10/10/2022
Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, chỉ khoảng 10% trong số khoảng 2,3 triệu tấn bùn thải thải ra hàng năm ở Nhật được sử dụng làm phân bón, sau khi đã qua quá trình khử nước và lên men.
Việc nông dân không sử dụng lại bùn thải một phần do lo ngại các kim loại nặng như cadmium và thủy ngân có thể tập trung trong nước thải. Ngoài ra, phân bón dạng bùn có hình ảnh hơi tiêu cực, và các yếu tố như mùi hôi của nó khiến người làm nông không mấy "mặn mà".
Bộ đã phân bổ 31 triệu Yên trong đề nghị ngân sách cho năm tài khóa 2023 nhằm giúp mở rộng việc sử dụng phân bón từ bùn thải.
Bộ còn có kế hoạch cử nhân viên đến các cơ sở chuyển đổi bùn thải thành phân bón để phân tích thành phần hóa học của chúng, với mục đích công khai tính an toàn và đặc tính của loại phân bón này, vốn giàu nitơ và axit photphoric để hỗ trợ cho việc trồng trọt.
Để thúc đẩy sáng kiến này, Bộ sẽ làm việc song song với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản.
Phân bón làm từ bùn thải có giá thành rẻ hấp dẫn. Ví dụ, thành phố Saga xử lý tất cả bùn thải thành phân bón, sau đó được bán với giá 2 Yên mỗi kg.
Trung tâm xử lý nước thải Saga hàng năm xử lý 20 tấn nước thải, loại bỏ bùn thải khỏi nước thải, khử nước, sau đó lên men và trộn ở 90 độ C hoặc cao hơn.
Thông qua quá trình này, vi khuẩn và hạt cỏ dại bị tiêu diệt và mùi hôi được loại bỏ. Mỗi năm, Trung tâm chuyển hóa khoảng 8.000 tấn bùn thải thành 1.400 tấn phân bón.
Theo chính quyền Saga, có hơn 3.000 người mua phân bón hàng năm. Phân bón bán hết hàng năm, và năm nay - ngay cả trong tháng 6, khi doanh số thường giảm - sản lượng bán ra là 122 tấn, tăng 84 tấn so với năm trước. Số liệu tháng 8 cũng ở mức cao 136 tấn, tăng 88 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Nhật nhận thấy kế hoạch này có hai kết quả tích cực: sản xuất phân bón trong nước và giá cả luôn ở mức thấp. Nhìn về tương lai, chính phủ Nhật hy vọng tất cả bùn thải có thể được biến thành phân bón ở những khu vực có nhu cầu cao.
Phân bón hóa học có mặt ở khắp nơi trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng Nhật phụ thuộc vào nhập khẩu các nguyên liệu thô liên quan như urê và kali clorua. Do chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine cùng những yếu tố khác, giá bán các nguyên liệu này đã tăng rất cao.
Bằng cách quảng bá sản xuất phân bón trong nước, chính phủ Nhật nhắm mục tiêu kéo giảm giá, nhằm đề phòng chi phí lương thực tăng cao cũng như bảo vệ các doanh nghiệp nông nghiệp không bị những tác động tiêu cực.
Chính phủ Nhật đã lên kế hoạch đưa các giải pháp thúc đẩy sản xuất phân bón trong nước vào gói kích cầu kinh tế toàn lực.
Thủ tướng Fumio Kishida cũng đã đốc thúc các cơ quan chức năng lập các giải pháp nhằm kéo giảm việc Nhật lệ thuộc phân bón hóa học nhập khẩu, và điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế nhằm giúp nước này có khả năng chống chịu tốt hơn trước những thách thức toàn cầu như khủng hoảng lương thực, năng lượng.
Ngoài ra, việc quảng bá sản xuất phân bón trong nước, chính phủ Nhật nhắm mục tiêu kéo giảm giá thành, đề phòng chi phí lương thực tăng cao, cũng như bảo vệ các doanh nghiệp nông nghiệp không bị những tác động tiêu cực.