Trung Quốc ra mắt ứng dụng xem người dùng có 'gần gũi' với người mắc coronavirus

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:23, 11/02/2020

Trung Quốc đã phát hành một ứng dụng di động theo dõi mọi người và cảnh báo họ nếu họ đã “tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm” với coronavirus mới.
Ứng dụng mới của Trung Quốc cảnh báo người dùng có từng tiếp xúc gần gũi với người mắc coronavirus - Ảnh: CNBC

Ứng dụng có tên "close contact detector" (dò tìm liên lạc gần gũi) đã được ra mắt từ hôm 8.2, theo Tân Hoa Xã. Người dùng quét mã QR trên các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc như WeChat và QQ, đồng thời gửi tên, số điện thoại và số ID do chính phủ cấp để yêu cầu thông tin về việc họ có tiếp xúc gần gũi với bất kỳ ai bị nhiễm coronavirus hay không.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc định nghĩa "liên hệ gần gũi" là người ở gần khu vực với người bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Sự "gần gũi" này cũng gồm các trường hợp tiềm năng có thể mắc bệnh, chẳng hạn như các thành viên gia đình và người chăm sóc cũng như hành khách và thành viên phi hành đoàn đã ở trên cùng một chuyến tàu hoặc máy bay, cũng như những người nghi ngờ bị phơi nhiễm với coronavirus.

Khi người dùng nhập tên và số ID của họ, ứng dụng sẽ cho họ biết họ có "gần gũi" với người bị nhiễm hay không, Tân Hoa Xã cho biết thêm rằng mỗi số điện thoại đã đăng ký có thể tìm kiếm thông tin cho ba số ID khác nhau.

Nếu ứng dụng xác định người dùng có nguy cơ ở gần những người có thể bị coronavirus, Tân Hoa Xã cho biết họ nên ở nhà và liên lạc với cơ quan y tế địa phương.

Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc trong việc sử dụng hệ thống giám sát rộng lớn của mình để ngăn chặn sự bùng phát coronavirus mới. Virus hiện đã lây lan từ tâm chấn của Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc đến gần như mọi tỉnh của Trung Quốc và quốc tế, lây nhiễm hơn 40.000 người và giết chết hơn 900 người, chủ yếu ở Trung Quốc.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, không nêu chi tiết cách thức hoạt động của ứng dụng này, nhưng cho biết một số cơ quan chính phủ đã hợp tác ”để đảm bảo dữ liệu chính xác, đáng tin cậy và có thẩm quyền”.

Doanh nghiệp nhà nước China Electronics Technology Group Corp, hay CETC là đơn vị tạo ra ứng dụng này cho biết họ đã nhận được dữ liệu từ một số cơ quan chính phủ để tạo ra ứng dụng này, gồm dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải, Đường sắt Trung Quốc và Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Thiên Hà (theo CNBC)