New Zealand đề xuất đánh thuế khí thải nhà kính do bò sữa ợ hơi

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:42, 11/10/2022

Chính phủ New Zealand ngày 11.10 có đề xuất đánh thuế khí thải nhà kính do gia súc thải ra khi chúng ợ hơi và đi tiểu, như một phần kế hoạch đối phó sự biến đổi khí hậu.

Đề xuất này sẽ khiến New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới buộc nhà nông đóng thuế cho các loại khí thải do vật nuôi của họ tạo ra.

Theo đề xuất, nhà nông sẽ phải trả tiền cho lượng khí thải từ năm 2025. Các loại khí từ nông trại sẽ được định giá khác nhau tùy theo thời gian tồn tại của khí đó, thông qua phương pháp tính tổng lượng khí thải.

Đề xuất cũng khuyến khích cho những nông dân giảm khí thải thông qua cuw54x sử dụng chất phụ gia thực phẩm trong chế độ ăn cho vật nuôi nhằm giảm lượng khí methane thải ra, trong khi việc trồng cây trong trang trại cũng có thể được coi như một cách giảm khí thải.

Bộ Môi trường New Zealand cho biết, đây sẽ là một loại thuế đầu tiên của thế giới, và nông dân sẽ có thể giảm chi phí khi bán nông sản thân thiện môi trường với giá cao hơn.

Tuy nhiên, đề xuất này nhanh chóng vấp phải sự phản đối của giới nhà nông. Liên đoàn Nông New Zealand (FF) nói kế hoạch này sẽ “là cách tệ nhất để xóa sổ các thị trấn nhỏ” và cây cối sẽ thay thế các nông trại.

Chủ tịch FF Andrew Hoggard cho biết, nhà nông đã cố gắng hợp tác với chính quyền trong hơn hai năm về kế hoạch giảm thải phát khí nhà kính mà không làm giảm sản lượng lương thực.

Ông nói kế hoạch của FF là để nhà nông tiếp tục làm nông, nhưng thay vào đó, họ sẽ bán nông trại “cực nhanh đến độ thậm chí bạn sẽ không nghe tiếng chó sủa từ trên xe tải khi họ rời đi”.

Các nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ đối lập ACT nói kế hoạch của chính phủ thực ra sẽ càng làm tăng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, khi nhà nông sẽ dịch chuyển sản xuất sang các nước khác kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất lương thực.

Ngành nông nghiệp New Zealand rất quan trọng trong nền kinh tế nước này. Các sản phẩm sữa, gồm cả nguyên liệu làm sữa bột trẻ em ở Trung Quốc, là nguồn thu nhập chủ chốt của New Zealand - quốc gia xuất khẩu nông sản lớn của thế giới.

nez-zealand-cow-1-ap.jpeg
Chăn nuôi bò sữa đóng góp nhiều cho kinh tế New Zealand - Ảnh: AP

New Zealand chỉ có 5 triệu dân, nhưng có đến 10 triệu con bò và 26 triệu con cừu. Gần một nửa tổng lượng thải phát khí nhà kính của nước này là từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chủ yếu ở dạng khí methane.

Các chất thải trong chăn nuôi là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, nhất là khí methane từ phân bò và Nitrous Oxide từ nước tiểu của chúng có thể ảnh hưởng đến nguồn đất và nước.

Loài bò thở ra 95% khí methane, trong khi 5% khí này được thải ra khi bò bị đầy hơi.

Trong 20 năm đầu tiên trong khí quyển trái đất, khí methane có sức nóng gấp hơn 80 lần so với carbon dioxide. Vì thế, cắt giảm khí methane là một biện pháp hiệu quả để làm chậm tình trạng  trái đất nóng dần lên.

Chính phủ New Zealand đang đặt kế hoạch giảm thiểu thải phát khí nhà kính và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Một phần của kế hoạch này gồm việc giảm 10% lượng khí methane thải ra từ các trang trại chăn nuôi vào năm 2030 và 47% vào năm 2050.

Theo lộ trình kế hoạch của chính phủ, các trang trại chăn nuôi sẽ bắt đầu trả thuế môi trường từ năm 2025 nhưng mức thuế chi tiết chưa được quyết định.

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern cho biết nguồn tiền thuế thu về sẽ được dùng để tái đầu tư vào ngành chăn nuôi như phát triển kỹ thuật mới, nghiên cứu công nghệ hoặc thành lập các gói hỗ trợ người nông dân.

“Nông dân New Zealand đang sắp trở thành những người tiên phong trên thế giới trong công cuộc giảm khí thải nhà kính từ nông nghiệp”, Thủ tướng Ardern nói, đồng thời cho biết chính sách này cũng sẽ xác định vị thế xuất khẩu nông nghiệp của New Zealand trên trường quốc tế, nhờ lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm.

Bộ trưởng Nông nghiệp Damien O’Connor cũng cho rằng đây là cơ hội tốt cho cả kinh tế New Zealand và cả người nông dân.

Ông nhấn mạnh: “Những người nông dân đã quá hiểu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu qua những trận hạn hán và lụt lội. Vì vậy, việc tiên phong trong chiến lược giảm khí thải nhà kính từ nông nghiệp không chỉ có tác động tích cực đến môi trường mà còn cả với nền kinh tế của chúng ta nữa”.

Bộ trưởng Biến đổi khí hậu James Shaw cho biết: "Rõ ràng chúng ta cần cắt giảm lượng khí methane bị thải vào khí quyển và một hệ thống định giá khí thải hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu này".

Khí thải nông nghiệp trước đây được miễn trừ khỏi kế hoạch buôn bán phát thải của New Zealand, dẫn đến những chỉ trích về nỗ lực của chính phủ New Zealand trong việc làm chậm quá trình trái đất nóng dần lên.

Trên thực tế, đề xuất của New Zealand từng được thực hiện vào năm 2003 nhưng không thành công. Nhà nông khi đó đã phản đối dữ dội, trong khi các chính trị gia đối lập mỉa mai kế hoạch này là “thuế đánh rắm” (Fart Tax). Cuối cùng, chính phủ New Zealand đã phải từ bỏ kế hoạch này.

Theo khảo sát, tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền của Thủ tướng Ardern đã suy giảm và tụt lại phía sau so với đảng đối lập. Trước đó vào nhiệm kỳ 2 năm 2020, Thủ tướng Ardern đã thắng lớn với tỷ lệ phiếu bầu cao vượt trội so với các ứng cử viên đối lập.

AP cho hay, nếu dự thảo thuế môi trường không được thông qua, nhiều khả năng Thủ tướng Ardern sẽ gặp khó khăn hơn trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Bảo Vĩnh