Thí điểm đấu giá biển số ô tô: Hợp lòng dân, tăng thu ngân sách
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:24, 11/10/2022
Hợp lòng dân, tăng thu ngân sách
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết trước đây Bộ Công an đã 2 lần báo cáo Chính phủ xin phép thực hiện thí điểm đăng ký cấp biển số thu lệ phí biển số tự chọn vào năm 1993 và đấu giá biển số xe vào năm 2008 tại một số địa phương nhưng do vướng mắc về cơ sở pháp lý và quy trình thủ tục nên không được mở rộng.
Từ đó đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm để đáp ứng nhu cầu một bộ phận không nhỏ người mua xe; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch hoặc hành vi trục lợi trong cấp biển số xe.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trên cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo thành lập tổ biên tập, lấy ý kiến người dân, xin ý kiến bằng văn bản của nhiều bộ ngành, tổ chức thẩm định. Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công; “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là kho số phục vụ quản lý nhà nước; Chính phủ có nhiệm vụ khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn. Tuy nhiên, việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao.
Chính phủ thấy rằng việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết và đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết này với hình thức văn bản là nghị quyết “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.
Theo ông Long, dự thảo nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá...
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới nêu rõ Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Do dự thảo nghị quyết này có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.
Về phạm vi thí điểm, ông Tới cho biết có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi thực hiện thí điểm tại một số địa phương hoặc chỉ thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương.
Đồng thời, ông Tới cũng cho rằng điều này để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài...
Có nên mở rộng sang biển số xe máy?
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là vấn đề cử tri đã rất mong muốn. Nếu triển khai được, nhân dân sẽ rất phấn khởi, thể hiện sự công khai, minh bạch và hợp lòng dân. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm sang cả biển số nền vàng và biển số xe máy. Còn biển số nền xanh và nền đỏ sẽ vẫn thuộc sự quản lý của nhà nước. Đồng thời cần nghiên cứu thêm các quy định về quyền của người trúng đấu giá và quyền của người nhận thừa kế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng bày tỏ quan điểm, việc thí điểm này không đặt trọng tâm vào tăng thu ngân sách, mà trọng tâm là ở nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với số đăng ký xe ô tô, với phương tiện giao thông này.
“Đây là hình thức mới, người được cấp số đăng ký sẽ sở hữu số đăng ký này, nhưng đây không phải là tài sản thông thường, mà là tài sản phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, nên một số quyền, nghĩa vụ của người được cấp phải có sự hạn chế phù hợp”, ông Tùng nêu.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh, do đây là mô hình mới nên chưa thể đánh giá hết những tác động thực tế, nên cần thận trọng, khoanh rõ phạm vi, chưa nên mở rộng với biển số xe máy, biển vàng cho đối tượng kinh doanh vận tải.
Dự thảo nghị quyết hiện tại đang quy định: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ tại sao lại sử dụng phương thức cấp khác với phương thức truyền thống như hiện nay và việc thay đổi này có ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề quản lý phương tiện giao thông.