Căng thẳng nội bộ EU gia tăng, Áo và Luxembourg kiện Ủy ban châu Âu về năng lượng khí đốt
Quốc tế - Ngày đăng : 18:19, 11/10/2022
Nghị viện châu Âu tháng 7 đã bỏ phiếu thông qua đề xuất liên quan đến việc dán nhãn các nhà máy điện hạt nhân và khí đốt tự nhiên là các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu.
Trước đó vào cuối năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất, chính thức được gọi là phân loại học của Liên minh châu Âu (EU), như một danh sách các hoạt động kinh tế mà các nhà đầu tư có thể gắn nhãn và tiếp thị là xanh ở EU.
Đề xuất ban đầu đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên EU, với một phe do Pháp dẫn đầu ủng hộ mạnh mẽ nhãn xanh cho khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Đức - nước đang loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân - đã phản đối kế hoạch này.
Đáng chú ý, Áo đã chính thức gửi đơn khiếu nại của mình lên Tòa án Liên minh châu Âu vào hôm 7.10, yêu cầu hủy bỏ các quy tắc trong “hệ thống phân loại tài chính” của EU. Đơn khiếu nại lập luận rằng năng lượng hạt nhân và khí đốt không đáp ứng các yêu cầu của phân loại học vì các công nghệ xanh không được gây ra tác hại đáng kể liên quan đến môi trường hoặc khí hậu.
Đơn khiếu nại cũng cho rằng việc đưa nhiên liệu vào phân loại một cách nhanh chóng là bất hợp pháp, vì các yêu cầu về thủ tục, chẳng hạn như đánh giá tác động bắt buộc, tham vấn cộng đồng và tham vấn kịp thời của các quốc gia thành viên, không được đáp ứng đầy đủ.
“Chúng ta cần bảo vệ lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Điều này phải chắc chắn rằng nếu một sản phẩm được dán nhãn xanh, thì sản phẩm đó thực sự phải thân thiện môi trường”, Bộ trưởng Bộ Hành động khí hậu, môi trường, năng lượng, vận tải, đổi mới và công nghệ Áo Leonore Gewessler cho biết.
Theo bà Gewessler, việc đưa năng lượng hạt nhân và khí đốt vào phân loại “năng lượng xanh” đã làm tăng nguy cơ “tẩy xanh” và “không giúp EU đạt được các mục đích về biến đổi khí hậu của mình”. “Phân loại không phải là vấn đề về chính sách năng lượng mà là vấn đề liệu người tiêu dùng và nhà đầu tư... có thể tin tưởng nếu họ không có một sản phẩm đầu tư xanh đúng nghĩa”.
Bà Gewessler cho biết thảm họa ở Chernobyl (thời Liên Xô) ở Ukraine và Fukushima ở Nhật Bản đã cho thấy rằng các nhà máy điện hạt nhân đi kèm với “những rủi ro khôn lường”. Trong khi đó, việc đốt khí tự nhiên, một loại nhiên liệu hóa thạch, làm tăng thêm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển, gây ra biến đổi khí hậu.
Nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu giảm mạnh đã làm dấy lên sự phản đối kế hoạch dán nhãn khí đốt là thân thiện với môi trường.
Một thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU), Luxembourg, đã tuyên bố sau đó rằng sẽ đứng về phía Áo trong vụ kiện pháp lý nhằm vào Ủy ban châu Âu (EC), làm tăng thêm sức nặng chính trị cho động thái này.