31 hãng chip Trung Quốc rơi vào danh sách chưa được xác minh, có thể bị Mỹ trừng phạt nặng hơn

Thế giới số - Ngày đăng : 23:00, 11/10/2022

Nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc - YMTC và 30 công ty liên quan đến chất bán dẫn khác ở đại lục đang gặp tình huống khó khăn sau khi bị đưa vào danh sách theo dõi thương mại của chính phủ Mỹ.

Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) thuộc sở hữu nhà nước và 30 đơn vị khác trong lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc gần đây bị Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, bổ sung vào Danh sách chưa được xác minh (UVL) của quốc gia này. Các bên có quyền lợi chưa được BIS xác minh sẽ bị đưa vào UVL (theo dõi thương mại). Những công ty này không đủ điều kiện để nhận các mặt hàng theo Quy định Quản lý Xuất khẩu của chính phủ Mỹ.

Theo các quy tắc cập nhật được BIS công bố vào ngày 7.10, các công ty thuộc UVL không cung cấp dữ liệu cần thiết cho quy trình xác minh của BIS có thể bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ, được gọi là danh sách thực thể.

Đến nay, chưa có công ty và tổ chức Trung Quốc nào bị thêm vào UVL (gồm cả Vital Advanced Materials, Beijing PowerMac Co, Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học Khoa học và Công nghệ Thượng Hải) đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về hành động của Mỹ hoặc về những gì họ dự định làm tiếp theo.

Tuy nhiên, Naura Technology Group (nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Trung Quốc) đã báo cáo trong một hồ sơ quy định tại thành phố Thâm Quyến rằng công ty con của họ, Beijing Naura Magneto Electrical Technology, nằm trong UVL.

Trong khi Naura Technology Group hạ thấp mức độ nghiêm trọng từ hành động của Mỹ khi nói rằng công ty con chỉ chiếm 0,5% tổng doanh thu hàng năm, cổ phiếu của nó đã giảm 10% ngày thứ hai liên tiếp sau tin tức đó.

Naura Technology Group không có khả năng cung cấp dữ liệu bổ sung cho chính phủ Mỹ vì tư cách là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

31-hang-chip-trung-quoc-roi-vao-danh-sach-chua-xac-minh.jpg
Các hành động mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm cảnh sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đánh dấu sự leo thang đáng kể từ các lệnh trừng phạt có mục tiêu trước đó với các công ty công nghệ đại lục riêng lẻ - Ảnh: Shutterstock

Việc một số công ty Trung Quốc trong UVL có nguy cơ bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại sẽ giáng đòn gây tổn hại khác vào động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Bắc Kinh.

Các hành động mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm kìm hãm Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến đánh dấu sự leo thang đáng kể từ các lệnh trừng phạt có mục tiêu trước đó với các hãng công nghệ đại lục riêng lẻ, chẳng hạn như Huawei Technologies Co và Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc).

Theo Gu Wenjun, trưởng nhóm phân tích của công ty nghiên cứu ICwise, toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đang là mục tiêu của chính phủ Mỹ.

Mỹ đã viện dẫn những lý do lớn để biện minh cho các hành động trong quá khứ của mình. Mỹ viện dẫn rủi ro bảo mật thông tin để nhắm mục tiêu Huawei và các liên kết quân sự để nhắm mục tiêu SMIC", Gu Wenjun nói.

Gu Wenjun chỉ ra rằng chính phủ Mỹ đã và đang vượt ra khỏi “ranh giới đỏ”, đồng thời nói thêm rằng chính quyền Biden đã mở rộng “danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt bằng cách sử dụng đủ loại lý do kỳ lạ”.

Chính phủ Mỹ có thể viện dẫn “sự thiếu hợp tác dai dẳng của nước chủ nhà” (trong trường hợp này là Trung Quốc) như “việc từ chối hợp tác và trình bày sai chủ đề”, mở đường cho việc áp đặt các hạn chế thương mại khắc nghiệt hơn. Kevin Cai Kaiming, thành viên cấp cao của công ty luật đa quốc gia Dentons, cho biết điều này trong một ghi chú.

Dù đây không phải là lần đầu tiên hàng chục thực thể Trung Quốc được đưa vào UVL, việc tuân thủ quy trình xác minh BIS giúp 9 công ty đại lục bị loại khỏi danh sách theo dõi thương mại của Mỹ.

Tuần này, WuXi Biologics cho biết công ty con của họ ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã bị xóa khỏi UVL, sau chuyến thăm tại chỗ của Bộ Thương mại Mỹ kiểm tra người dùng cuối của công ty.

Theo Lindsay Zhu Ju, thành viên tại Thượng Hải của hãng luật quốc tế Squire Patton Boggs, hầu hết công ty trong UVL “có thể bị loại bỏ thành công” khỏi danh sách sau khi tiến hành kiểm tra người dùng cuối.

Có kinh nghiệm xử lý các trường hợp tương tự, Lindsay Zhu Ju cho biết: “31 công ty Trung Quốc gần đây bị thêm vào UVL được khuyến nghị liên hệ ngay với Bộ Thương mại Trung Quốc để sắp xếp việc kiểm tra người dùng cuối”.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã mô tả động thái của chính phủ Mỹ nhằm thêm nhiều thực thể đại lục vào UVL là "hành động bắt nạt công nghệ điển hình".

Bộ Thương mại cho biết Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động của Mỹ: “Hành động này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Mỹ và gây nguy hiểm cho sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Hôm 10.10, giá cổ phiếu các tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc như Alibaba, Tencent cùng nhiều nhà sản xuất chip sụt giảm, do các nhà đầu tư lo sợ trước các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới từ Mỹ nhằm làm chậm những tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

Chính quyền ông Biden hôm 7.10 đã công bố hàng loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cả biện pháp cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chất bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ.

Hàng loạt biện pháp (một số có hiệu lực ngay lập tức) có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc kể từ những năm 1990.

Các chuyên gia cho biết các quy định mới sẽ có tác động rộng rãi, làm chậm nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình, thúc đẩy các nghiên cứu thương mại và nhà nước liên quan đến vũ khí quân sự, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và nhiều lĩnh vực khác được hỗ trợ bởi siêu máy tính và chip cao cấp.

Các biện pháp kiểm soát mới cũng đến vào thời điểm ngành công nghiệp chip toàn cầu đang đối mặt với “những cơn gió lớn” do nhu cầu với máy tính, smartphone cùng các thiết bị điện tử khác giảm và cảnh báo doanh thu yếu. Các chuyên gia cho biết các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể sẽ cảm nhận được tác động tức thời.

Theo quy định mới, các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp cho những nhà sản xuất chip Trung Quốc thiết bị có thể sản xuất chip tương đối tiên tiến gồm chip logic dưới 16 nanomet, chip DRAM dưới 18 nanomet và chip NAND có 28 lớp trở lên, trừ khi họ có được giấy phép.

Điều đó được thiết lập để tác động đến các nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc như SMIC và Hua Hong Semiconductor Ltd cũng như các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu được chính phủ hậu thuẫn như YMTC và Changxin Memory Technologies (CXMT).

Danni Hewson, nhà phân tích tại công ty AJ Bell, nhận định: “Các biện pháp này sẽ làm ảnh hưởng đến lĩnh vực chip của Trung Quốc, phá hỏng nhiều kế hoạch tăng trưởng và có khả năng cản trở sự đổi mới ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Sẽ có nhiều phòng tổ chức các cuộc họp cấp cao nhất trong vài ngày tới xem xét tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”.

Các xưởng đúc Trung Quốc chiếm một phần nhỏ trong thị trường chip hợp đồng toàn cầu, do TSMC của Đài Loan thống trị, nhưng kiểm soát khoảng 70% thị trường nội địa, nhấn mạnh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp chip.

Với chip bộ nhớ, những người theo dõi ngành công nghiệp đã coi YMTC và CXMT là hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để thâm nhập thị trường toàn cầu, đối đầu với những đối thủ hàng đầu như Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết các quy định mới hiện sẽ gây trở ngại lớn cho YMTC và CXMT.

"Sự tiến bộ của bộ nhớ sẽ bị hạn chế vì không có cơ hội nâng cấp thiết bị quy trình, không có cơ hội mở rộng sản xuất và thị trường sẽ bị mất", Gu Wenjun, người đứng đầu nghiên cứu tại công ty tư vấn ICWise có trụ sở tại Thượng Hải, viết trong một báo cáo.

Các nhà phân tích cho biết việc chặn nguồn cung cấp thiết bị cho sản xuất chip cao cấp cũng có thể có tác động phân tầng với các chip đơn giản hơn.

Với chip NAND, cùng một thiết bị được sử dụng để sản xuất NAND 128 lớp cũng có thể tạo ra NAND 64 lớp đơn giản hơn, theo Stewart Randall - người theo dõi lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc tại công ty tư vấn Intralink có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

Các nhà sản xuất công cụ Mỹ gồm KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc hiện bị yêu cầu ngừng vận chuyển hàng đến các nhà máy hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc có thể sản xuất chip logic tiên tiến.

Các quy tắc cũng bao gồm việc ngăn chặn các lô hàng nhiều loại chip để sử dụng trong các hệ thống siêu máy tính của Trung Quốc, vốn có thể được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân và các công nghệ quân sự khác.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng lệnh cấm này cũng có thể ảnh hưởng đến các trung tâm dữ liệu thương mại của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Cổ phiếu Alibaba và Tencent lần lượt giảm 3,3% và 2,5% hôm 10.10. Cả hai công ty này đều phụ thuộc nhiều vào các trung tâm dữ liệu.

Sơn Vân