Lỗ thủng tầng ozone có thể sẽ đóng lại trong 50 năm tới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:36, 12/10/2022
Hoạt động như một lá chắn, tầng ozone hấp thụ tia UV từ mặt trời, bảo vệ Trái đất. Sự vắng mặt của tầng ozone đồng nghĩa với việc bức xạ năng lượng cao sẽ chiếu đến Trái đất, gây hại cho cuộc sống của con người và các sinh vật trên hành tinh. Bức xạ cực tím có hại có thể gây ung thư da và gây bệnh đục thủy tinh thể, ức chế hệ thống miễn dịch ở người.
Nhưng vào cuối thể kỷ 20, việc con người thải ra một số hóa chất gây hại bắt đầu ảnh hưởng đến số lượng phân tử ozone trong khí quyển. Cụ thể sự giải phóng quá mức khí clo và brom từ các hợp chất nhân tạo như CFC, halon, CH3 CCl3... Các chất khí này được gọi là ODS - chất chính làm suy giảm tầng ozone. Điều này đã dẫn đến lỗ hổng mở ra trên bầu trời Nam Cực hằng năm do các quá trình khí tượng và hóa học phức tạp gây ra.
Vào năm 1987, chỉ 7 năm sau khi các nhà khoa học phát hiện ra các hóa chất nhân tạo đang làm hỏng tầng ozone, Nghị định thư Montreal đã được ký kết để cố gắng hạn chế lượng hóa chất độc hại trong khí quyển.
Trước đây chúng được tìm thấy ở các sản phẩm tủ lạnh, máy điều hòa không khí, keo xịt tóc và các sản phẩm tẩy rửa công nghiệp, sau đó những hóa chất này được loại bỏ dần để bảo vệ tầng ozone. Được sự nhất trí của tất cả 197 quốc gia, đây là một trong những hiệp ước được phê chuẩn toàn cầu đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp Quốc.
Vào đầu năm 2022, các nhà khoa học của NOAA phát hiện ra rằng nồng độ các hóa chất độc hại đã giảm hơn 50% ở tầng giữa các tầng bình lưu so với những năm 1980. Các nhà khoa học tại NOAA cho biết đây là một "cột mốc quan trọng" trong nỗ lực phục hồi tầng ozone.
Tuy nhiên, sự phục hồi của tầng ozone không phải là "kết luận cuối cùng", vì nồng độ của các hóa chất độc hại trong khí quyển cần tiếp tục giảm.
Nồng độ của những hóa chất này trên Nam Cực, nơi xuất hiện một lỗ thủng hằng năm, cũng đang giảm xuống nhưng với tốc độ chậm hơn.
Lỗ thủng này lớn hơn bình thường, lớn hơn kích thước của chính Nam Cực, vào năm 2021. NOAA dự đoán rằng tầng ozone ở Nam Cực cuối cùng cũng có thể phục hồi "vào khoảng năm 2070".
Cho đến khi nó đóng lại, Dịch vụ Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) đang tiếp tục theo dõi lỗ hổng này. Lỗ thủng tầng ozone thường bắt đầu hình thành vào mùa xuân ở Nam bán cầu, từ tháng 8 - tháng 10, đạt đến kích thước tối đa trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 - tháng 10, sau đó trở lại bình thường vào cuối tháng 12.
Năm nay, các nhà khoa học CAMS đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của lỗ thủng kể từ cuối tháng 8 bằng cách sử dụng mô hình 3 chiều.
Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Copernicus cho biết: "Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực trong năm 2022 bắt đầu phát triển vào cuối tháng 8 và cho đến nay đã theo xu hướng tương tự từ thập niên trước về diện tích, tổng cột tối thiểu, thâm hụt khối lượng (khối lượng đã bị tách khỏi trung tâm của một thiên hà) và nhiệt độ tối thiểu. Theo dữ liệu của chúng tôi từ đầu tháng 9, kích thước của lỗ thủng ozone nằm trong phạm vi trung bình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ trong vài tuần tới vì các lỗ thủng tầng ozone trong năm 2020 và 2021 chỉ bắt đầu trở nên đặc biệt sau này".
Trước đó, vào cuối năm 2021, theo Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF), một lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đóng lại là lỗ thủng lớn thứ 13 kể từ năm 1979, rộng khoảng 14 triệu cây số vuông.
Các chuyên gia cho biết ở mức tối đa, lỗ thủng có thể phát triển lớn bằng kích thước cả Nam Cực và châu Âu cộng lại.
Nam bán cầu đã trải qua một mùa đông lạnh giá bất thường, với Nam Cực có nhiệt độ trung bình kỷ lục âm 61 độ C từ tháng 4 đến tháng 9 và gió mạnh dai dẳng ở tầng bình lưu, dẫn đến lỗ thủng tầng ozone sâu và lớn hơn mức trung bình.