Nước cờ có thể quyết định thành bại: Nga kết thân UAE, Mỹ dọa nghỉ chơi với Ả Rập Saudi
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:01, 12/10/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ ba 11.10 cam kết "sẽ có những hậu quả" đối với quan hệ của Mỹ với Ả Rập Saudi sau khi OPEC + vào tuần trước thông báo rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu bất chấp Mỹ phản đối.
Tuyên bố của ông Biden được đưa ra một ngày sau khi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết Washington phải ngay lập tức đóng băng mọi hợp tác với Saudi, bao gồm cả việc mua bán vũ khí.
Tổng thống Biden vẫn chưa thảo luận về những lựa chọn mà ông ấy đang cân nhắc. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết một cuộc đánh giá chính sách sẽ được tiến hành nhưng không đưa ra thời hạn hoặc thông tin về ai sẽ chủ trì cuộc đánh giá. Bà chỉ cho biết Mỹ sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ "trong những tuần và tháng tới".
OPEC + đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu vào tuần trước bất chấp nhiều tuần vận động hành lang từ quan chức Mỹ. Washington đã cáo buộc Ả Rập Saudi đã khuất phục trước Nga, quốc gia phản đối việc phương Tây áp trần đối với giá dầu của Nga.
Các quan chức Mỹ đã âm thầm cố gắng thuyết phục đối tác Ả Rập lớn nhất của mình từ chối đề xuất cắt giảm sản lượng, nhưng Thái tử Mohammed bin Salman không thay đổi quan điểm.
Ông Bin Salman và ông Biden vốn đã có thành kiến với nhau từ sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post vào năm 2018. Chuyến thăm Jeddah của Biden vào tháng 7 vừa qua cũng không xóa được tảng băng trong quan hệ.
John Kirby, người phát ngôn về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Tổng thống Biden sẽ làm việc với Quốc hội "để suy nghĩ về mối quan hệ đó sẽ như thế nào trong tương lai", đồng thời Kirby cho biết thêm: "Và tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ sẵn sàng bắt đầu những cuộc thảo luận đó ngay lập tức”.
Cũng hôm thứ ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong cuộc đánh giá, chính quyền Biden sẽ không bỏ qua Iran, một đối thủ của cả Mỹ và Ả Rập Saudi. Phần lớn doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Ả Rập Saudi đã được thực hiện do mối đe dọa của Iran trong khu vực.
Price cho biết: "Có những thách thức an ninh, một số trong số đó xuất phát từ Iran. Chắc chắn, chúng tôi sẽ không rời mắt khỏi mối đe dọa mà Iran gây ra không chỉ cho khu vực mà còn ở một số nơi khác".
Trong khi căng thẳng giữa Mỹ và quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC có phần rạn nứt do Saudi ngày càng theo đuổi chính sách phù hợp với lợi ích của Nga thì Nga tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia khác trong OPEC.
Cũng vào thứ ba 11.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm tại Saint Petersburg với Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan (MBZ). Tại đây, ông Putin đã ca ngợi mối quan hệ của Nga với UAE và hoan nghênh quyết định gần đây của các quốc gia sản xuất dầu nhằm hạn chế sản lượng như chìa khóa để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.
Đồng thời, ông Putin mô tả mối quan hệ giữa hai nước là “một yếu tố quan trọng của sự ổn định” trong khu vực và trên thế giới “bất chấp tất cả những khó khăn tồn tại trong quan hệ quốc tế hiện nay”.
Nhà lãnh đạo Nga đánh giá cao sự ủng hộ của MBZ đối với quyết định của nhóm OPEC + bao gồm Nga, trong việc cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, bất chấp áp lực của Mỹ. Ông Putin nói: “Các quyết định của chúng ta… không chống lại bất kỳ ai. Các hành động của chúng ta nhằm đảm bảo sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu để làm cho cả người tiêu dùng tài nguyên năng lượng và những người xử lý sản xuất và cung cấp cảm thấy bình tâm, vững vàng và tự tin, giúp cân bằng cán cân cung và cầu”.
Việc OPEC + quyết định cắt giảm sản lượng để tăng giá đã khiến các nước phương Tây tức giận, nơi nhiều nước coi đây là động thái có thể giúp Tổng thống Putin duy trì cho các nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine. Việc cắt giảm sản lượng cũng có nguy cơ gây khó khăn cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đảng viên Dân chủ khi giá xăng dầu tăng ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng của Mỹ.
UAE đã duy trì mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ với Nga và tìm cách kiềm chế tham gia các lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh phương Tây khác áp đặt để đáp trả cuộc chiến của Moscow vào Ukraine.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước UAE WAM cho biết MBZ, trong cuộc gặp với Putin, đã “khẳng định” mục tiêu của đất nước ông là góp phần “củng cố nền tảng của hòa bình và ổn định toàn cầu”, cũng như “giảm căng thẳng và tìm giải pháp ngoại giao cho các cuộc khủng hoảng” chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine.
WAM cho biết Hai nhà lãnh đạo “đã xem xét một số vấn đề và sự phát triển của khu vực và quốc tế cùng quan tâm”.
Điều này đã được nhắc lại trong một bài đăng trên Twitter, nơi nhà lãnh đạo UAE nói về cuộc gặp của ông với Putin. Ông Zayed Al Nahyan viết: “Chúng tôi đã thảo luận về một số vấn đề cùng quan tâm, bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine và tầm quan trọng của việc tham gia đối thoại để giảm căng thẳng và đi đến một giải pháp ngoại giao”.
Về phần mình, Putin ca ngợi MBZ vì những nỗ lực hòa giải đã giúp giải quyết một số "vấn đề nhân đạo thực sự nhạy cảm" ở Ukraine.
Ông Putin nói: “Tôi nhận thức được mối quan tâm của ngài về tình hình tiến triển và mong muốn đóng góp của ngài vào việc giải quyết tất cả các vấn đề đang tranh chấp, bao gồm cả cuộc khủng hoảng ngày nay ở Ukraine”.