'Linh hồn' của phố đi bộ
Văn hóa - Ngày đăng : 10:35, 14/10/2022
Nhàn tản quanh hồ Gươm - Hà Nội, bách bộ trên Đường sách Nguyễn Văn Bình và đại lộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn. Hay dạo chơi khu phố du lịch Phú Hội - Huế. Đó là thú vui mới của thị dân và du khách khi xuất hiện những phố đi bộ đầu tiên ở Việt Nam.
Thành công của thực thể mới mẻ và sinh động này đã khiến chính quyền một số đô thị lên kế hoạch khai sinh và mở thêm phố đi bộ. Trong đó, TP.HCM dự kiến có thêm phố đi bộ ở đại lộ Lê Lợi - quận 1 và vòng xoay Hồ Con Rùa - quận 3. Nhiều địa phương đây đó đang ấp ủ sẽ có phố đi bộ trên “sân nhà”.
Thế nhưng, phải chăng chỉ cần chọn những khu vực rộng rãi và sầm uất, rồi ngăn xe, cấm đường là có phố đi bộ? Hoặc “kỳ công” hơn là bóc mặt đường nhựa, thay bằng đá granite sáng loáng là có phố đi bộ đông vui? Phố đi bộ đem lại lợi ích gì và làm gì để tránh được sự nhàm chán, đơn điệu? Làm phố đi bộ có gây ra những vấn nạn nào cho chính khu vực của nó? Thử dạo qua một vài phố đi bộ đã có ở nước ta và nước ngoài để hiểu, nghĩ cách làm cho những con phố này giữ được sự hay đẹp.
Linh hồn phố đi bộ
Sau những ngày hè “siêu nóng” năm nay, cuối cùng mùa thu se lạnh đã về lại châu Âu. Ở Budapest, thủ đô Hungary, Vaci - phố đi bộ nổi tiếng lại nhộn nhịp người dân và du khách. Vaci bắt đầu từ một quảng trường và công viên rộng lớn mà dưới chân là nhà ga metro chạy đến bờ sông Danube. Đường đi ở đây tùy đoạn ước chừng 10-15m, chạy giữa hai dãy phố toàn là nhà hàng, cà phê, quán rượu, khách sạn, thương xá, cửa hàng lưu niệm...
Đặc biệt, đoạn mở đầu từ quảng trường Vorosmarty (đây cũng là nơi họp chợ Giáng sinh) những năm gần đây có thêm tên gọi Fashion Street - phố thời trang, gồm các cửa hàng quần áo, giày dép, trang sức... mang tên các thương hiệu nổi tiếng của Hung và thế giới. Fashion Street được “đánh bóng” thường xuyên trên Fashion TV nên càng thu hút du khách nữ đến từ năm châu.
Tuy nhiên, linh hồn của phố đi bộ tại đây không chỉ là thương mại mà còn là nét lịch sử độc đáo thể hiện qua các tòa nhà và các hoạt động văn hóa. Khu vực này nguyên là một phần tòa thành cổ vẫn còn nhiều dấu tích, trong đó ngôi chợ Nagycsarnok (chợ trung tâm) là một tòa nhà ba tầng đồ sộ.
Tại đây, du khách không chỉ mua sắm các sản vật truyền thống của địa phương (phổ biến nhất là xúc xích, rượu và ớt), họ còn thích thú chụp hình nhiều góc độ của tòa nhà kiểu lâu đài, mang phong cách Néo - Gothic, xây dựng năm 1897. Kế đến, nhiều tòa nhà tráng lệ hai bên phố là các tuyệt phẩm của phong cách Néo - Classic và Beaux Arts giúp du khách sống lại những năm tháng vương giả của thời kỳ đế chế. Không thể quên Hungary trước 1918 từng là một phần của đế quốc Áo - Hung mà thủ đô Budapest được xây dựng với nhiều công trình kỳ vĩ bậc nhất châu Âu.
Những thành phố lớn kế cận Budapest như Vienna (Áo), Prague (Cộng hòa Séc), Bratislava (Slovakia) hay Roma (Ý), Berlin và Munich (Đức) đều có các phố đi bộ rộng lớn ở khu vực Old Town (trung tâm xưa của thành phố) nơi có nền móng là quá khứ vàng son vững bền. Paris và London cùng nhiều thành phố khác ở châu Âu đều đặt những phố đi bộ tại các khu vực tương tự. Trong khi đó, khu Times Square ở New York (Mỹ) cũng là một điển hình sáng chói của phố đi bộ thu hút hàng triệu khách mỗi năm.
Có thể nói “linh hồn” của các phố đi bộ chính là sự kết nối hài hòa và sâu lắng các yếu tố lịch sử - văn hóa - thương mại, tạo ra sự thu hút không đâu có. Nếu không có “linh hồn” ấy thì cho dù có nhà cao, đường rộng, tiện nghi hiện đại vẫn không thể tạo lập những phố đi bộ kỳ thú - một không gian nhân văn thư thái và du ngoạn độc đáo. Đặc biệt, phố đi bộ cũng là nơi cho giới trẻ trong thời đại kỹ thuật số tìm hiểu và đóng góp cho xã hội.
Đây là một trong những nơi cần thiết để giới trẻ khám phá thực tế, nhận diện và thụ hưởng bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Phố đi bộ sẽ là sân chơi mới, góp phần giúp các bạn bước ra ngoài không gian thư phòng hay không gian mạng và tham gia tìm hiểu, đóng góp sáng tạo cho xã hội.
Đề phòng những vấn nạn
Khái niệm phố đi bộ (walking street, pedestrian street hay car free zone) không chỉ phục vụ cho du lịch và mua sắm. Bên cạnh các phố đi bộ ở khu trung tâm, không thể quên chính các khu vực dân cư thuần túy cũng cần những con đường chỉ dành cho người đi bộ. Đó chính là phố đi bộ dành cho dân sinh, một phần của phúc lợi xã hội ở đô thị. Chúng thường được thiết kế gắn với các công viên, trường học, tụ điểm giao thông. Những làn đường đi bộ có thể nằm ngay giữa đại lộ, được đánh dấu bởi hai hàng cây xanh viền quanh, mặt đường nâng cao hơn một ít so với đường xe hơi.
Trên làn đường đi bộ, có ghế nghỉ chân, có kiosk cà phê, sách báo hoặc quầy bán hoa, trạm xe buýt, đường dẫn vào metro. Kiểu phố đi bộ, đường đi bộ dân sinh quy mô nhỏ như trên rất cần đưa vào quy hoạch tại các khu dân cư cao tầng mới đang gia tăng ở các đô thị lớn của Việt Nam. Trong quy định thiết kế các khu dân cư mới, Bộ Xây dựng nên bổ sung loại hình này bên cạnh việc bắt buộc phải có trường học, công viên, chợ nhỏ.
Trong khi ấy, để mở các phố đi bộ trung tâm ở các đô thị lớn của Việt Nam cần phải có các bãi giữ xe thích hợp. Tình trạng giữ xe máy tràn lan khắp vỉa hè và cả lòng đường xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) hay hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ ở Hà Nội, đã và đang là vấn nạn “nhức nhối” cho cư dân và chính quyền địa phương. Về lâu dài, chính quyền phải mời gọi, tạo nhiều ưu đãi để các chủ đầu tư xây dựng các bãi giữ xe ngầm hoặc các cao ốc parking. Đồng thời chính quyền cần tổ chức tốt các tuyến xe buýt kết nối, song song với việc hoàn thiện các tuyến metro dẫn đến các phố đi bộ.
Việc thiết lập các phố đi bộ 24/7 hoặc tính toán giờ giấc không cho xe cộ lưu thông trên các phố này đều cần lưu ý không gây ách tắc giao thông. Ở TP.HCM, giao lộ - vòng xoay lớn Lê Lợi - Nguyễn Huệ bị “khóa” lại sau khi hình thành phố đi bộ Nguyễn Huệ đã gây nhiều “rắc rối”, phiền phức cho xe cộ lưu thông quanh khu vực này.
Thiết nghĩ, với những nơi có mật độ giao thông lớn thì chỉ nên làm phố đi bộ cuối tuần vào chiều tối. Không thể thiết lập các phố đi bộ ở những khu phố không có đường sá song song, bổ sung và phụ trợ. Càng không nên tổ chức sân khấu lớn biểu diễn văn nghệ, trực tiếp truyền hình bóng đá hay lễ hội ở phố đi bộ khi không đảm bảo được nơi giữ xe và khả năng điều phối xe cộ di chuyển thông suốt.
Việc xử lý rác, nhà vệ sinh, cống rãnh, cây xanh, ghế nghỉ chân, phòng cháy chữa cháy, cấp cứu y tế, an ninh, trật tự đều là những vấn đề cần ưu tiên tính toán. Bởi các phố đi bộ là những “túi” người khổng lồ - tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và tai ương. Kế đến, không gì khác là việc phải vun đắp, làm mới “linh hồn”, vẻ đẹp riêng biệt cho các phố đi bộ khác nhau.
Chẳng hạn phố đi bộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi có mặt đường rộng rãi, cần tạo dựng các kiosk bán hoa, sách báo, giải khát với kiểu dáng nghệ thuật thanh lịch. Khu vực dùng làm triển lãm nên trang bị các thiết bị cỡ lớn xem hình ảnh digital sống động, thay cho những tấm pano dềnh dàng, choán chỗ.
Vào thứ Bảy và Chủ nhật, các nơi này nên có nhiều cụm biểu diễn ca nhạc nhẹ, văn nghệ và trò chơi dân gian, hòa nhạc và khiêu vũ ngoài trời. Các dịp Giáng sinh, Tết có thể mở chợ phiên với hình thức kiosk lịch sự, bán những sản phẩm văn hóa và ẩm thực truyền thống.
Chính các phố đi bộ cũng cần sự đồng hành của các phố xá chung quanh thông qua liên kết dịch vụ khác (bảo tàng, tín ngưỡng, mua sắm, ăn uống...). Và dĩ nhiên, sự đồng thuận của cư dân tại chỗ và toàn xã hội. Do vậy, đừng vội vã gây nên “phong trào phố đi bộ”, thiếu điều tra, khảo sát toàn diện và kỹ càng. Cần tránh lạm phát các phố đi bộ đơn điệu và đặt không đúng chỗ. Cần coi phố đi bộ là nét điểm trang mới của đô thị, nơi những đôi chân lữ hành được thoát khỏi cảnh kẹt xe và nhà cửa xô bồ để tìm đến những phút giây thư thái và giải trí văn minh.