Ứng dụng fintech: Lo ngại rủi ro từ việc thiếu hành lang pháp lý
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:00, 15/10/2022
Vài năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại, với nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân, đầu tư - tiết kiệm…
Đặc biệt, trong lĩnh vực Fintech chứng khoán, các ứng dụng đầu tư nở rộ, thu hút thêm sự chú ý của khách hàng cá nhân với các hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, gửi tiết kiệm trực tuyến… Hàng loạt ứng dụng đầu tư có thể kể tới như Infina, Finhay, Tikop, BUFF, Save Now…
Các mảng, lĩnh hoạt động của các công ty Fintech kể trên đều mới, hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech…
Ngày 5.10.2022, UBCK đưa ra khuyến cáo nêu rõ, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCK cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCK khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng nên đưa ra những quy định cụ thể nhằm tránh hiện tượng sở hữu chéo và kiểm soát chặt hiện tượng một số ứng dụng fintech đang lách luật huy động vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ tuyên truyền rằng bán trái phiếu nhưng thực chất là ký các hợp đồng hợp tác đầu tư. Sau đó họ sử dụng tiền huy động để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhưng không biết là họ có thực sự đầu tư vào hay không hay sử dụng vào mục đích khác.
Thêm vào đó, ông Huân cho rằng việc nở rộ các ứng dụng fintech về đầu tư, đầu tư chung trong thời gian qua đang dấy lên một lo ngại về hoạt động của các ứng dụng này, vì hiện nay họ vẫn chưa chịu sự quản lý từ phía Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước.
“Khi các ứng dụng này phát triển mạnh và huy động được nguồn vốn rất lớn từ các nhà đầu tư cá nhân, thì rủi ro đối với thị trường và nền kinh tế có thể xảy ra”, ông Huân nói.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, bản chất của các app Fintech là thúc đẩy cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt lợi và hại của nó và đầu tư vào Fintech cũng không là trường hợp ngoại lệ. Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song thị trường Fintech ở Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển.
Ông Hà cho hay, so với các nước trong khu vực, số lượng công ty Fintech tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Fintech ở Việt Nam chưa thực sự phát triển do hệ sinh thái Fintech chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp Fintech, công ty phát triển công nghệ...) cũng như khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ.
Đồng thời khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực này chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và hoàn thiện, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động P2P Lending; cơ sở pháp lý chưa quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech.
Ngoài ra, luật sư Hà cũng cho biết hoạt động Fintech cần chịu sự quản lý và thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan bộ, ngành chủ quản khác nhau do Fintech có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, hoạt động khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thể chế quản lý, giám sát cũng như chức năng nhiệm vụ cụ thể của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào đối với lĩnh vực Fintech cũng như chưa có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động Fintech.
“Quy định pháp lý cụ thể cho hợp tác phát triển giữa ngân hàng và Fintech khi chia sẻ thông tin khách hàng, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm giữa các bên với khách hàng trong mô hình kinh tế chia sẻ này chưa có. Việc các cơ quan quản lý xem Fintech như một cánh tay nối dài của ngân hàng mà chưa được hoạt động độc lập trong hệ thống tài chính cũng là một khó khăn của các công ty Fintech trong hoạt động thanh toán điện tử”, ông Hà nêu.
Do đó, ông Hà cho rằng nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích. Hơn nữa, lợi dụng sự phát triển của Fintech, trên thị trường tài chính còn xuất hiện nhiều app trá hình, không có người chịu trách nhiệm pháp lý, cho vay tín chấp nhanh chóng, lãi suất cắt cổ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người vay.