Sao Mỹ không trả tiền cho SpaceX để quân Ukraine bớt thua thiệt trước quân Nga?

Quốc tế - Ngày đăng : 06:43, 15/10/2022

Có vẻ sau thời gian cho quân đội Ukraine sử dụng dịch vụ Starlink miễn phí thì SpaceX muốn "thu phí thuê bao". SpaceX dự đoán riêng rằng phí tổn sẽ đạt gần 400 triệu USD trong 12 tháng tới, chưa bằng số lẻ tiền mà Mỹ tuyên bố viện trợ cho Ukraine.

Tỷ phú Elon Musk chưa bao giờ vòng vo khi nói về cảm xúc của mình — và sáng thứ sáu, ông chủ của SpaceX nói rằng mình đã thực hiện theo lời khuyên của một nhà ngoại giao Kyiv, người đã nói với ông rằng hãy “cuốn xéo”.

SpaceX cho biết họ sẽ không trả tiền cho quân đội Ukraine để sử dụng hệ thống internet Starlink của Elon Musk nữa. Theo CNN, sự thật là các công ty của ông đã cố gắng xoay sở để kiếm được hóa đơn trị giá hàng triệu USD trong nhiều tháng. Nhưng có vẻ sau thời gian cho dùng miễn phí thì họ muốn "thu phí thuê bao".

Tin tức từ hôm thứ năm nói rằng SpaceX sẽ không còn chịu phí tốn cho mạng lưới liên lạc vệ tinh, vốn rất quan trọng trong việc cho phép Ukraine chiến đấu chống lại cuộc tấn công của Nga.

Khi nhà báo Jason Jay Smart tweet rằng động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi một nhà ngoại giao Ukraine nói với Musk "cuốn xéo", Musk trả lời: "Chúng tôi chỉ đang làm theo khuyến nghị của ông ta", kèm theo một biểu tượng cảm xúc nhún vai.

Dòng tweet trước đó của đại sứ Ukraine tại Đức được đưa ra để đáp lại đề nghị rõ ràng của Musk rằng Ukraine nên chấp nhận những việc từ bỏ lãnh thổ và trở nên "trung lập" để xoa dịu Tổng thống Nga Vladimir Putin và tìm một kết thúc hòa bình cho cuộc chiến. Andrij Melnyk đã viết: “Cuốn xéo là câu trả lời rất ngoại giao của tôi dành cho ông”.

Nhưng thứ sẽ “cuốn xéo” đi theo Musk là 20.000 thiết bị đầu cuối vệ tinh Starlink mà công ty của Musk đã lắp đặt để hỗ trợ quân đội Ukraine — và một yêu cầu từ Ukraine cho khoảng 9.000 nữa.

Musk đã đăng trên tweet vào thứ sáu cho biết khoản quyên góp ban đầu đã tiêu tốn của SpaceX khoảng 80 triệu USD và dự kiến là thêm 20 triệu USD nữa vào cuối năm 2022. Theo Politico, SpaceX dự đoán riêng rằng phí tổn sẽ đạt gần 400 triệu USD trong 12 tháng tới.

Một báo cáo của CNN đã tiết lộ phía SpaceX trong tháng 9 đã 2 lần gửi thư tới Lầu Năm Góc, trong đó công ty kiên quyết đề nghị Mỹ thanh toán hóa đơn cho bất kỳ thiết bị đầu cuối nào khác. Trong bức thư thứ nhất được CNN hé lộ, SpaceX viết: “Chúng tôi không có tư cách tài trợ thêm các thiết bị đầu cuối cho Ukraine, hoặc tài trợ cho các thiết bị đầu cuối hiện có trong một khoảng thời gian không xác định”.

Một bức thư thứ hai được gửi bởi một người trong SpaceX nêu: “SpaceX phải đối mặt với những quyết định vô cùng khó khăn ở đây. Tôi không nghĩ rằng họ có đủ khả năng tài chính để cung cấp bất kỳ thiết bị đầu cuối hoặc dịch vụ bổ sung nào theo yêu cầu của Tướng Zaluzhniy”.

Khoản quyên góp được Musk thực hiện vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Ngoài ra Mỹ, Vương quốc Anh và Ba Lan cũng tham gia tài trợ. Các thiết bị đầu cuối có giá 1.500 USD hoặc 2.500 USD, tùy thuộc vào khả năng và SpaceX trước đây cho biết riêng Ba Lan đã tài trợ khoảng 9.000 USD (số liệu của The Daily Beast - Mỹ).

Theo Finance Times, quân đội Ukraine vào tuần trước đã thông báo về việc các thiết bị liên lạc Starlink của họ trên tiền tuyến bị mất điện, cản trở nỗ lực giành giật lãnh thổ với lực lượng Nga. Động thái này diễn ra ngay sau khi quan hệ giữa Elon Musk và Ukraine trở nên căng thẳng xung quanh việc Musk nêu “sáng kiến hòa bình” bị Ukraine phản đối.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Ukraine có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này cho biết một số sự cố mất điện dẫn đến mất liên lạc "thảm khốc" trong những tuần gần đây. Nhiều báo cáo cho biết các binh sĩ đã đi lạc vượt giới tuyến vào lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Quan chức giấu tên này cho biết sự cố diễn ra nghiêm trọng ở phía nam xung quanh khu vực Kherson và Zaporizhzhia, nhưng cũng xảy ra dọc theo chiến tuyến ở phía đông Kharkiv, Donetsk và Luhansk.

Cả 4 khu vực đều là tâm điểm của cuộc phản công dữ dội của Ukraine và đã được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố là một phần của Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý do phe thân Nga tổ chức vào tháng trước.

Một quan chức khác của Kyiv cho biết sự cố kết nối đã lan rộng và khiến binh lính phải hoảng sợ gọi đến đường dây nóng trợ giúp. Cả hai quan chức Ukraine cho biết vấn đề xảy ra khi các binh sĩ giành giật lãnh thổ với lực lượng Nga và di chuyển qua chiến tuyến.

Truyền thông phương Tây tin rằng nhờ sự hỗ trợ của Starlink nên quân đội Ukraine giành được nhiều lợi thế trong những tháng qua. Do vậy, việc Musk “quay xe” thế này khiến phương Tây rất lúng túng.

Cựu thủ tướng Phần Lan đã thúc giục Musk đừng bỏ rơi Ukraine khi viết: “Làm ơn đừng gây lộn xộn nữa. Đây không phải la một tro chơi. Chiến tranh là nhị phân. Chọn phe của bạn và gắn bó với nó. Ukraine cần mọi sự giúp đỡ có thể để đánh bại đà tấn công của Nga”.

Ở đây có điều khá kỳ lạ là tại sao phương Tây không giúp Ukraine trả hóa đơn internet vốn rất quan trọng trong thời 4.0 này.

Ngày 4.10, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky nhằm cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine đồng thời công bố khoản viện trợ an ninh bổ sung trị giá 625 triệu USD cho nước này.

Gói viện trợ mới bao gồm vũ khí và thiết bị quân sự như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn dược và xe bọc thép. Đây là lần viện trợ quân sự thứ 22 của Mỹ dành cho Ukraine kể từ tháng 8.2021 với tổng giá trị lên tới hơn 17,5 tỉ USD.

Dễ dàng có thể thấy chỉ cần số lẻ trong khoản 17,5 tỉ USD này mà đem trả cho SpaceX thì Ukraine được dùng thuê bao Starlink thoải mái bao thiết bị đầu cuối. Vậy tại sao 2 lần SpaceX viết thư hối Lầu 5 Góc trả tiền mà không được nhận hồi đáp để dẫn đến việc nhà mạng của tỷ phú Musk đòi cắt thuê bao cung cấp cho Ukraine? Phải chăng thanh toán hóa đơn cho SpaceX không nằm trong dự trù ngân sách giải chi cho viện trợ đã được đóng khung cứng nên không thể linh động điều hướng.

Tá Nhu