Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ 'bật đèn xanh' cho kế hoạch thay thế Nord Stream của Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 09:13, 15/10/2022
Theo AP, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này đã đưa ra ý tưởng xuất khẩu nhiều khí đốt hơn thông qua đường ống dẫn khí TurkStream chạy bên dưới biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi việc cung cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống Nord Stream dưới biển Baltic bị tạm dừng.
Tổng thống Erdogan hôm 14.10 cho biết các cơ quan năng lượng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm việc cùng nhau để chỉ định vị trí tốt nhất cho một trung tâm cung ứng khí đốt mới cho châu Âu, đồng thời nói thêm rằng khu vực Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Hy Lạp và Bulgaria, dường như là địa điểm tốt nhất.
“Cùng với người đồng cấp Putin, chúng tôi đã chỉ thị cho Bộ Năng lượng - Tài nguyên thiên nhiên và cơ quan liên quan phía Nga làm việc cùng nhau. Họ sẽ tiến hành nghiên cứu này. Bất cứ nơi nào thích hợp nhất, chúng tôi hy vọng sẽ thành lập trung tâm cung ứng này ở đó. Công việc này được tiến hành ngay lập tức”, Tổng thống Erdogan cho biết và nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện mọi bước cần thiết để đảm bảo an toàn cho đường ống TurkStream.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Kazakhstan, nơi ông gặp Tổng thống Nga Putin hôm 13.10.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết ông Putin đã đề xuất vận chuyển khí đốt đến các nước châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ vì không còn coi Nord Stream 1 và 2 là các đường ống dẫn “đáng tin cậy”. Tuy nhiên, ông Cavusoglu nói rằng đề xuất của Nga cần được "nghiên cứu kỹ lưỡng."
“Có những đề xuất hợp tác, đầu tư cần phải được thực hiện và cũng cần được kiểm tra. Đây là vấn đề cung và cầu. Có bao nhiêu nước châu Âu... sẵn sàng mua khí đốt từ một dự án như vậy? Điều này cần được giải quyết cùng nhau. Sự suy yếu của châu Âu về mọi mặt không phải là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi muốn giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu”, ông nói trong một cuộc họp báo.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã mong muốn trở thành một trung tâm năng lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng đã đặt câu hỏi về khả năng đề xuất vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ có khả thi hay không, với các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích độ tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng và gọi việc “đơn phương” cắt giảm khí đốt tự nhiên của Nga là một nỗ lực chính trị nhằm phản đối châu Âu ủng hộ Ukraine.
Đức trong tuần này đã từ chối một đề xuất khác của Tổng thống Nga Putin nhằm khai thông dòng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 2 dưới biển Baltic vốn chưa đi vào hoạt động. Moscow trước đó đã tuyên bố cắt khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 vì “trục trặc kỹ thuật”.