Cuộc sống u ám tại quốc gia có mức lạm phát 100%

Chuyển động - Ngày đăng : 09:49, 15/10/2022

Với mức lạm phát có thể lên tới 100% trong năm 2022, người dân Argentina phải tìm mọi cách để tồn tại, kể cả bới bãi rác.

Sergio Omar dành 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày lục lọi hàng núi rác thải tại bãi chôn lấp trên địa bàn thành phố Lujan, tìm kiếm bìa cứng, nhựa, kim loại có thể bán. Ông cho biết thu nhập bản thân nay không còn đủ nữa, chi phí thực phẩm tăng vọt vài tháng qua khiến việc nuôi sống gia đình 5 con trở nên khó khăn.

Theo Omar, ngày càng có nhiều lao động phi chính thức đến bãi rác tìm vật dụng bán được như ông. Bán vật dụng có thể tái chế đem lại cho Omar 13 - 40 USD/ngày.

Tại bãi rác, phóng viên hãng Reuters thấy những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm quần áo hay thậm chí cả thức ăn còn dùng được. Họ đi qua núi rác phân hủy bốc lên khí dễ tạo ra đám cháy bất ngờ.

cuargen00.jpg
Bãi rác tại thành phố Lujan - Ảnh: Reuters

Thế kỷ trước, Argentina nằm trong số quốc gia sung túc bậc nhất thế giới, nhưng vài năm gần đây họ chìm trong khủng hoảng triền miên và hiện phải vất vả kiềm chế lạm phát.

Giờ đây giá cả tăng với tốc độ nhanh nhất từ những năm 1990 đến nay với hàng loạt vấn đề do việc in tiền, chu kỳ tăng giá luẩn quẩn của doanh nghiệp, chi phí nhập khẩu khí đốt và phân bón tăng.

Giới phân tích dự báo lạm phát tại Argentina tính riêng tháng 9 có khả năng tăng 6,7%. Ngân hàng trung ương quốc gia Nam Mỹ này đã tăng lãi suất lên 75% và sẽ còn cao hơn nữa.

Tỷ lệ nghèo đói nửa đầu năm 2022 lên đến hơn 36%. Tỷ lệ nghèo cùng cực tăng lên 8,8%, tương đương khoảng 2,6 triệu người. Chương trình phúc lợi của chính phủ phần nào giúp ngăn tỷ lệ này tăng cao hơn.

Năm 2001 lúc Argentina trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất, Sandra Contreras thành lập câu lạc bộ lấy hàng đổi hàng Lujan. Câu lạc bộ nay hoạt động trở lại khi người dân Argentina không theo kịp đà tăng giá nên trao đổi mọi thứ với nhau, chẳng hạn như lấy quần áo cũ đổi bột mì hay mì ống.

cuargen01.jpg
Câu lạc bộ lấy hàng đổi hàng - Ảnh: Reuters

“Người đến đây rất tuyệt vọng, lương của họ không đủ, tình hình thì tệ hơn từng ngày. Mọi người không còn tiền, họ cần phải mang được thứ gì đó về nhà vì vậy không có lựa chọn nào khác ngoài lấy hàng đổi hàng”, bà Contreras chia sẻ. Từ 2 tiếng đồng hồ trước lúc câu lạc bộ mở cửa đã có người đến chờ.

Cẩm Bình