Mỹ - Trung - Nga cạnh tranh quân sự tại châu Phi

Quốc tế - Ngày đăng : 09:30, 16/10/2022

Chiến lược An ninh quốc gia mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 12.10 không đề cập nhiều đến châu Phi. Nhưng theo giới phân tích quân sự, lục địa đen không chỉ nằm trong tầm ngắm của Washington mà còn được xem như khu vực cạnh tranh quan trọng với Nga và Trung Quốc.

Tại châu Phi, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất lục địa với hàng loạt dự án hạ tầng lớn thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai - Con đường. Trong khi đó, Nga là đối tác cung cấp vũ khí lớn nhất và nhiều công ty nước này đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp khai khoáng châu Phi.

Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Nam Âu - châu Phi (SETAF-AF) thuộc quân đội Mỹ Todd Wasmund nhận định: “Trung Quốc và Nga hiểu rất rõ ý nghĩa chiến lược của châu Phi. Khi tái tập trung đối phó Trung Quốc và Nga, cần nhận thức rõ hai nước này đang tích cực cạnh tranh ở châu Phi”.

Mỹ cạnh tranh bằng gì?

Trong bản chiến lược vừa công bố, Mỹ cho biết sẽ cạnh tranh với Nga, Trung bằng cách tăng cường đầu tư trong nước, xây dựng liên minh với các quốc gia cùng chí hướng, hiện đại hóa quân đội.

Tướng Wasmund chỉ ra rằng Mỹ sử dụng công tác huấn luyện quân sự - thông qua Lữ đoàn Hỗ trợ lực lượng an ninh số 2 - để ngăn Nga, Trung mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi.

Theo trang Defense News, từ khi được triển khai đến lục địa đen năm 2020 đến nay, Lữ đoàn Hỗ trợ lực lượng an ninh số 2 đã thực hiện nhiều hoạt động tại hơn 15 nước trên khắp châu Phi, duy trì hiện diện thường trực tại 11 nước, hoàn thành công tác huấn luyện ở Ghana, Morocco, Tunisia, Senegal, Somalia, Djibouti, Botswana, Zambia, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Niger, Kenya.

285583186_317041297282319_3105620811307623251_n.jpg
Một hoạt động huấn luyện được tổ chức bởi Lữ đoàn Hỗ trợ lực lượng an ninh số 2 - Ảnh: US Army

Sự hiện diện của Nga, Trung

Vài năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng quân sự và lực lượng cảnh sát với châu Phi nhằm bảo vệ công dân lẫn lợi ích Trung Quốc tại đây. Quốc gia châu Á năm 2017 có căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên đặt trên lãnh thổ Djibouti.

Nga cũng tích cực tăng cường hiện diện quân sự tại Libya, Sudan, Mali, Cộng hòa Trung Phi, thường dưới hình thức là tổ chức bán quân sự Nhóm Wagner để hỗ trợ duy trì an ninh và huấn luyện binh sĩ.

Nhà nghiên cứu Luke Patey thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Đan Mạch lưu ý đến mức độ sâu rộng của các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự giữa Trung Quốc với nhiều nước châu Phi. Ông khuyến cáo trong tương lai gần ảnh hưởng mà Trung Quốc thiết lập được có thể hạn chế lợi ích an ninh của Mỹ tại lục địa đen.

Cũng theo nhà nghiên cứu Patey, tuy Trung Quốc vẫn còn thua kém Mỹ trong việc huấn luyện quân sự tại châu Phi, nhưng các nước trong khu vực vẫn còn có Nga, châu Âu, quốc gia Vùng Vịnh để hợp tác.

itafrica.jpg
Căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti - Ảnh: SCMP

Giáo sư Liselotte Odgaard thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Na Uy đánh giá hiện diện của Trung Quốc đáng ngại hơn của Nga. Bắc Kinh thiết lập hiện diện cả ở kinh tế lẫn an ninh - quốc phòng, ngoài lập căn cứ trên lãnh thổ Djibouti thì số vũ khí nước này bán cho các nước châu Phi cũng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Priyal Singh thuộc Viện nghiên cứu an ninh châu Phi nhận định Nga với vai trò đối tác cung cấp vũ khí hàng đầu cũng đủ khiến Mỹ lo ngại. Moscow giúp các nước trong khu vực đa dạng hóa đối tác quốc tế mà họ có thể mua vũ khí mà không kèm theo nhiều điều kiện như phương Tây.

Cẩm Bình