Tác phẩm của giáo sư, nhạc sĩ gốc Việt tỏa sáng tại Cuộc thi Guitar quốc tế Berlin
Văn hóa - Ngày đăng : 14:35, 16/10/2022
Cuộc thi Guitar quốc tế Berlin, khởi đầu từ năm 2006, là cuộc thi dành cho các nghệ sĩ guitar cổ điển trên toàn thế giới, diễn ra hai năm một lần, được Bộ Ngoại giao Đức, Viện Goethe, Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Liên bang Đức, nhà sản xuất đàn Roge Yang và một số hiệp hội văn hóa tại Đức đồng bảo trợ. Năm nay có 15 thí sinh đến từ 11 nước, gồm Italia, Đức, Tây Ban Nha, Paraway, Ba Lan, Áo, Hà Lan, Luxemburg, Chile, Hàn Quốc và Pháp tham gia cuộc thi và 3 thí sinh đến từ Italia, Tây Ban Nha và Paraguay đã lọt vào vòng chung kết.
Các thí sinh đều phải là học sinh, sinh viên các trường âm nhạc chuyên nghiệp và không quá 32 tuổi. Trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các thí sinh tại vòng 1 và 2 đã thu âm tác phẩm rồi gửi tới Ban giám khảo. Tại cả hai vòng loại các thí sinh bắt buộc phải chơi nhạc phẩm Faust - Sonata do Giáo sư, nhạc sĩ guitar Đặng Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin - Gesundbrunne, đồng thời là Chủ tịch hội đồng nghệ thuật, Chủ tịch Ban Giám khảo cuộc thi, sáng tác. Thí sinh vào vòng 3 mới được đến biểu diễn tại Berlin.
Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long - 9 lần đảm nhận cương vị Chủ tịch hội đồng nghệ thuật Cuộc thi Guitar quốc tế Berlin trong vai trò soạn thảo, sáng tác và biên soạn các tác phẩm dự thi tiết lộ ý định muốn đưa Cuộc thi Guitar quốc tế về Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện tầm cỡ thế giới này ra đời. Ngoài mong muốn để cho các thí sinh trong nước được làm quen với cuộc thi của thế giới, những tác phẩm dân ca Việt Nam do ông sáng tác hoặc chuyển soạn được các nghệ sĩ nước ngoài đoạt giải trình diễn trên chính quê hương mình, đây là niềm hạnh phúc lớn nhất và niềm tự hào đối với bạn bè quốc tế.
ông Jürgen Buch nói: “Người đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới là Giáo sư, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long vì chúng tôi muốn đưa caravan âm nhạc tới quê hương ông, tại Việt Nam cùng những thí sinh đoạt giải của các mùa trước để có một cuộc thi đúng nghĩa".
Theo ông Jürgen Buch, "Những tác phẩm của Đặng Ngọc Long rất đặc biệt. Chúng là một tập hợp đầy những điều bất ngờ đến từ cuộc sống của ông, mà chính chúng tôi cũng cảm thấy bất ngờ. Ông đã sử dụng những yếu tố truyền thống của Việt Nam pha trộn với sắc thái của châu Âu. Đó là một sự kết hợp mang tính hiện tượng, mà chỉ cần nghĩ về cái tên của nó đã thấy nó đến từ tác phẩm kịch Faust của thi sĩ, nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, nhà khoa học, triết học lỗi lạc của Đức Johann Wolfgang Goethe. Không chỉ được cải biên với những yếu tố Viễn Đông, nó còn là thử thách lớn cho các thí sinh dự thi".
Niklas Johansen (Đan Mạch), thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi năm 2014 với tác phẩm bắt buộc là bài Ru con Nam bộ do Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long chuyển soạn cho guitar, tâm sự các tác phẩm do Giáo sư Đặng Ngọc Long sáng tác và biên soạn dành cho thí sinh luôn có kỹ thuật và độ khó rất cao, đặc biệt những bài dân ca của Việt Nam khá độc đáo vì nó mang giai điệu đặc trưng của nhạc Việt Nam.
Tại cuộc thi năm nay, ngoài tiết mục của các thí sinh dự thi, phần biểu diễn của các nghệ sĩ khách mời, như Giáo sư Đặng Ngọc Long, cùng hai thí sinh đoạt giải của năm 2014 và 2020 (đến từ Đan Mạch và Belarus), đã đưa những bài dân ca Việt Nam như Núi rừng Tây Nguyên, Người ở đừng về, Đi cấy... đến gần hơn với công chúng Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Và một lần nữa, văn hóa trong âm nhạc của Việt Nam lại được tỏa sáng giữa lòng châu Âu.