Nội bộ NATO rối ren bởi căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp
Quốc tế - Ngày đăng : 15:51, 17/10/2022
Theo Reuters, cảnh sát Hy Lạp hôm 15.10 đã giải cứu một nhóm 92 người di cư đều là nam giới ở gần sông Evros, nơi đánh dấu biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát Hy Lạp và cơ quan biên giới EU Frontex công bố bằng chứng những người di cư đã vượt sông vào lãnh thổ Hy Lạp bằng xuồng cao su từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết họ "rất đau buồn trước những báo cáo và hình ảnh gây sốc", lên án "sự đối xử tồi tệ" và kêu gọi một cuộc điều tra. UNHCR hy vọng sẽ có thể gặp trực tiếp các nạn nhân trong những ngày tới.
Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến 92 người di cư cởi bỏ quần áo trước khi vượt biên giới, song Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi hôm 16.10 đã cáo buộc phía Thổ Nhĩ Kỳ gây ra và nói rằng "hành vi" của họ là một "sự xấu hổ cho nền văn minh".
"Hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ đối với 92 người di cư mà chúng tôi đã giải cứu ở biên giới là một sự xấu hổ cho nền văn minh. Chúng tôi hy vọng Ankara sẽ điều tra vụ việc", ông Mitarachi bình luận.
Về phần mình, Fahrettin Altun, Giám đốc truyền thông của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Bộ trưởng Di trú Hy Lạp đã “chia sẻ thông tin sai lệch” sau khi quan chức này đăng một bức ảnh chụp những người di cư khỏa thân vào hôm 16.10 và đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói rằng động thái này “đã đặt điều cho Thổ Nhĩ Kỳ”, đồng thời kêu gọi Athens từ bỏ “sự đối xử khắc nghiệt với người tị nạn”.
“Hy Lạp đã một lần nữa cho toàn thế giới thấy rằng họ không tôn trọng phẩm giá của người tị nạn bằng cách đăng những bức ảnh của những người bị áp bức mà họ đã trục xuất sau khi tống tiền tài sản cá nhân của họ”, Altun cho biết trên Twitter.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Catakli đã nói rằng việc đăng ảnh người tị nạn không mặc quần áo cho thấy “sự tàn ác của Hy Lạp”. “Hãy dành thời gian của bạn để tuân theo quyền con người, không phải để thao túng và không trung thực”, Catakli cho hay.
Vào năm 2015 và 2016, Hy Lạp đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng di cư châu Âu khi có khoảng 1 triệu người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan đến đất nước này, chủ yếu qua Thổ Nhĩ Kỳ, để trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc Hy Lạp đẩy người di cư trở lại một cách thô bạo, trong khi Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đẩy người di cư đi để gây áp lực lên EU.
Mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng và đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở nên căng thẳng vì nhiều vấn đề, bao gồm cả hàng hải và năng lượng ở biển Aegean và Địa Trung Hải, cũng như nhập cư bất hợp pháp.
Năm ngoái, hai tàu tuần duyên của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã va chạm ở Đông Địa Trung Hải. Chính quyền Athens mô tả vụ va chạm này là "hành vi quấy rối" của Ankara và cho biết, tàu của mình đang thực hiện nhiệm vụ trong thềm lục địa.
Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần phàn nàn về các "hành động gây hấn" của Hy Lạp. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8 đã triệu Tùy viên quân sự Hy Lạp tại Ankara sau khi cáo buộc các máy bay phản lực F-16 của Hy Lạp "quấy rối" máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ của NATO.
Đáng chú ý, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tháng trước đã kêu gọi Hy Lạp ngừng hoạt động xây dựng quân sự ở quần đảo Aegean, đe dọa sẽ buộc Hy Lạp trả giá đắt nếu leo thang tình hình. Bên cạnh đó, ông Erdogan đe dọa sẽ buộc Hy Lạp phải trả cái giá nặng nề nếu Athens tiếp tục quấy rối máy bay của nước này ở biển Aegean.
Mỹ cho rằng các lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp là "không hữu ích", kêu gọi hai đồng minh NATO giải quyết bằng ngoại giao. "Mỹ tiếp tục khuyến khích các đồng minh NATO cùng phối hợp để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, giải quyết bất đồng bằng con đường ngoại giao", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Phát ngôn viên phụ trách chính sách đối ngoại của Liên Minh châu Âu (EU), ông Peter Stano cho biết những căng thẳng giữa Ankara và Athens đang gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng, hoàn toàn trái ngược với những nỗ lực giảm leo thang cần thiết ở Đông Địa Trung Hải. Ông đề nghị các khúc mắc cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên EU.
Số phận các quần đảo ở biển Aegean được định đoạt sau Chiến tranh Balkan 1912-1913 bởi các thỏa thuận giữa 6 bên gồm Áo - Hung, Anh, Pháp, Nga, Ý, Đức. Các cường quốc châu Âu năm 1914 quyết định quần đảo sẽ thuộc chủ quyền của Hy Lạp, chứ không phải phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara trong những năm qua đã lập luận các quần đảo trên biển Aegean được trao cho Hy Lạp với điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực, vì chúng nằm gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã nhiều lần cáo buộc Athens đưa vũ khí đến những đảo này.