Liệu cát biển có thể giúp giải bài toán vật liệu cho xây dựng cao tốc tại ĐBSCL?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:08, 18/10/2022
Cát sông không đáp ứng được nhu cầu
Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường ước khoảng hơn 35,6 triệu mét khối. Trong đó, tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) cần khoảng 15 triệu mét khối. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu mét khối; dự án Mỹ An - Cao Lãnh cần hơn 1,4 triệu mét khối và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu mét khối.
Hiện nay, khu vực ĐBSCL chỉ có thể sử dụng cát sông để thi công nền đường. Trong khi đó, về tiến độ thì nhu cầu năm 2023 là khoảng 16 triệu mét khối, năm 2024 khoảng 20 triệu mét khối (phải thi công hoàn thành nền đường để chờ lún).
Đối với cát sông, nguồn phục vụ công trình xây dựng trong vùng chủ yếu tập trung tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua, được chia theo 2 khu vực: Tại các tỉnh hạ lưu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ) có tổng trữ lượng các mỏ cát đang khai thác khoảng 23 triệu mét khối, công suất khai thác hằng năm 5,7 triệu mét khối; trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém, lẫn nhiều tạp chất, không bảo đảm các tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.
Tại các tỉnh thượng lưu (An Giang, Đồng Tháp), tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23,1 triệu mét khối, công suất 7,5 triệu mét khối/năm, trữ lượng còn lại 9,4 triệu mét khối. Tổng trữ lượng các mỏ cát theo quy hoạch khoảng 88,11 triệu mét khối (An Giang hơn 54 triệu, Đồng Tháp hơn 33 triệu). Tuy nhiên, trữ lượng dự kiến trong quy hoạch được khảo sát từ thời điểm năm 2015 và đã khai thác đến nay nên không còn phù hợp với thực tế. Hiện nay các địa phương đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch nên chưa xác định chính xác trữ lượng và khả năng cung ứng.
Thực tế hiện nay, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế. Nguồn mỏ cát sông chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long. Tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu mét khối. Sản lượng khai thác hằng năm có thể cung cấp cho các dự án khoảng 1,9 triệu mét khối/năm. Việc tìm ra giải pháp thay thế cát sông đáp ứng nhu cầu san lấp là cấp thiết trước nguy cơ thiếu vật liệu cát đắp thi công các tuyến cao tốc khu vực này.
Nghiên cứu kỹ khi thác cát biển
Để tạo nguồn vật liệu đắp nền phục vụ các công trình giao thông trọng điểm tại ĐBSCL, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.
Mới đây, triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang trình Chính phủ xem xét một dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, sử dụng san lấp cho các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.
Theo số liệu của Liên đoàn Địa chất và khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam), vùng biển 0 - 100m nước của nước ta có 30 vùng triển vọng khai thác cát với tổng tài nguyên dự báo gần 150 tỉ mét khối. Trong đó, các vùng biển tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Phú Quốc - Hà Tiên, Hải Phòng - Quảng Ninh… rất có triển vọng để quy hoạch thăm dò, khai thác.
Khu vực đánh giá được chọn tại dự án là vùng biển phía đông cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, độ sâu từ 5 - 30m nước, diện tích 2.400km2. Thời gian thực hiện sẽ từ năm 2022-2024, dự kiến kết thúc tháng 12.2024.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, đây có thể coi là một nhiệm vụ cần thiết, triển khai thực hiện dự án sớm sẽ giải quyết được một số nhu cầu cấp bách hiện nay: Đó là đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL và phụ cận.
Đồng thời, kết quả thực hiện dự án sẽ là cơ sở thực tiễn để đẩy mạnh hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn cát sạn đáy biển to lớn để phục vụ phát triển kinh tế xã hội dải ven biển và cả nước; tạo cơ sở khoa học để hoàn thiện hệ thống quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác khoáng sản biển (hiện chưa được đầy đủ) phục vụ quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản biển.
Ngoài ra, việc này sẽ đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng, san lấp tại vùng biển Sóc Trăng đáp ứng 1 tỉ mét khối.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), về mục tiêu, nhiệm vụ của dự án cũng cần xem lại mục tiêu đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng, san lấp tại vùng biển Sóc Trăng với tài nguyên cấp 333 đạt 1 tỉ mét khối là thấp so với triển vọng cát biển được xác định ở khu vực này (tài nguyên hơn 13 triệu mét khối). Đồng thời, phạm vi dự án cần nghiên cứu đánh giá tác động ở khu vực điều tra 10 ÷ 30m nước đến việc sạt lở bờ biển khi khai thác tới độ sâu 30m nước.
Cũng theo Vụ Vật liệu xây dựng, trong cát biển có chứa một lượng nhất định muối hòa tan. Vì vậy, khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, nền đường sẽ có một số tác động bất lợi gây ra ăn mòn cốt thép ảnh hưởng kết cấu công trình khi tiếp xúc trực tiếp với cốt thép hay việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (đất nông nghiệp, các mạch nước ngầm) khi các muối hoàn tan bị cuốn trôi theo dòng nước. Chính vì thế, cơ quan đề xuất dự án cũng phải nêu rõ các giải pháp kỹ thuật khi dùng cát biển làm vật liệu san lấp để tránh những bất lợi trên.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn triển khai nghiên cứu việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tế cần thi công thí điểm, quan trắc các ảnh hưởng đến môi trường và ban hành tiêu chuẩn, quy trình thi công, định mức đơn giá. Nếu các thủ tục nhanh nhất thì đến cuối năm 2023 mới có thể áp dụng, nên trong giai đoạn xây dựng (2023-2024), các dự án vẫn phải sử dụng nguồn cát sông là chủ yếu.