Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp phải xem người nông dân là “bà con”

Sự kiện - Ngày đăng : 15:45, 18/10/2022

Khi liên kết với người nông dân xây dựng thực phẩm an toàn, doanh nghiệp phải xem người nông dân là “bà con”, chứ không nên xem là “đối tác”; đồng thời doanh nghiệp phải kiến tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Doanh nghiệp giúp nông dân tri thức hóa, nông nghiệp hóa

Tại Hội nghị "Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam" diễn ra hôm nay (18.10), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nhiều khi doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích hữu hình mà quên đi những lợi ích vô hình.

bo-truong-le-minh-hoan-doanh-nghiep-phai-xem-nguoi-nong-dan-la-ba-con-hinh-anh(1).png
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (đứng thứ 3 từ trái sang) chứng kiến các đơn vị  ký kết xây dựng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm - Ảnh: PV

"Chúng ta cần phải đánh động, lay động tình người. Lay động ở đây không phải chúng ta rao giảng những bài đạo đức, mà doanh nghiệp ngồi lại với nhau xem chúng ta thu lại lợi nhuận đó có tương xứng với sức khỏe của đồng bào chúng ta hay không”, ông Hoan nói.

Theo ông Hoan mỗi người chúng ta nên có trách nhiệm với vấn đề an toàn thực phẩm, trách nhiệm với người nông dân trong việc xây dựng thực phẩm an toàn. Hiện nay, một số cơ quan quản lý nhà nước khi thấy có một vấn đề mất an toàn thực phẩm xảy ra thì lại ngồi lại xem vấn đề này là thuộc của đơn vị nào, nếu không thuộc quản lý của mình thì không làm. “Chúng ta phải làm vì người dân, vì ngay chính gia đình mình. Biết đâu những thực phẩm không an toàn lại được con cái hay người nhà mình sử dụng thì sao”, ông Hoan chia sẻ.

Ông Hoan mong muốn các doanh nghiệp khi liên kết xây dựng thực phẩm an toàn với người nông dân cần thông báo với các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương biết, chứ không chỉ có doanh nghiệp và người nông dân đó biết. Khi đó, chính quyền địa phương, các cấp các ngành khác biết được thì sẽ đến kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thêm cho người nông dân. Điều này giúp cho việc xây dựng thực phẩm sạch hiệu quả hơn và minh bạch hơn.

“Khi tất cả mọi người đều biết có doanh nghiệp liên kết với nông dân ở khu vực nào đó xây dựng thực phẩm an toàn thì nhiều nông dân ở vùng lân cận khác thấy hay có thể tham gia, giúp mở rộng thêm mô hình thực phẩm an toàn”, Bộ trưởng Hoan nói.

Nhấn mạnh đến an toàn thực phẩm là vấn đề lớn trên thế giới, cả những nước chậm phát triển và đang phát triển, ông Hoan đề nghị các doanh nghiệp cần phải cải tiến từng bước trong việc giúp bà con nông dân xây dựng thực phẩm an toàn.“Tôi chưa thấy một doanh nghiệp nào đưa hình của bà con nông dân lên. Doanh nghiệp không chỉ mua hàng cho bà con nông dân mà còn tri thức hóa, nông nghiệp hóa cho họ”, ông Hoan nói.

Phải xem nông dân là “bà con”

Đề cập đến mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc liên kết xây dựng thực phẩm an toàn, ông Hoan mong muốn doanh nghiệp nên xem người nông dân là “bà con” chứ không nên xem nông dân là “đối tác”; đồng thời doanh nghiệp phải kiến tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

“Có nhiều doanh nghiệp nói với tôi là “Tụi tôi thương bà con nông dân lắm”. Tôi nói lại: nhớ thương bà con nông dân nhá! Vì từ “bà con” khác với “ đối tác”. Khi xem nông dân là “bà con” khác với xem nông dân là “đối tác”. Nếu đã là “bà con” thì lâu lâu phải ghé thăm, gần gũi với người nông dân để xem họ làm ăn như thế nào; hay có ngày vui cũng đến chia sẻ với người nông dân; còn “đối tác” thì chỉ nhìn vào thương vụ làm ăn”, ông Hoan chia sẻ.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chất lượng an toàn, minh bạch thực phẩm đã từng bước cải thiện; tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước phát triển.

Trong 9 tháng năm 2022, số cơ sở kinh doanh được chứng nhận an toàn thực phẩm chiếm 99,5%; cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm chiếm 89%; tỷ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu an toàn thực phẩm chiếm 97,6% và có 12.582 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận Viet Gap và tương đương.

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết sau thời gian xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay đơn vị này đã cấp 616 giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn cho hơn 400 đơn vị, tăng gấp 20 lần.

“Hiện nay số lượng sản phẩm thịt đạt chuẩn trên thị trường TP đã chiếm đến 93% nhu cầu thị trường. Vì thế về cơ bản sản phẩm thịt đạt chuẩn đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân; còn sản phẩm trứng đạt chuẩn chiếm khoảng 63% nhu cầu thị trường”, bà Lan thông tin.

Để cải thiện chất lượng, an toàn, minh bạch chuỗi thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn với chuẩn mực quốc tế; huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất kinh doanh, logistic; tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị; thúc đẩy NC, chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp sinh thái (hữu cơ, tuần hoàn…); đổi mới công tác thông tin, truyền thông; minh bạch, chia sẻ thông tin; đổi mới đào tạo, tập huấn cho các nhóm đối tượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên thực hiện các chủ thể dẫn dắt chuỗi giá trị như: hợp tác xã, trang trại, chợ đầu mối, nhà bán lẻ lớn… Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cô đọng, trực quan và tập huấn cho các nhóm đối tượng về cải thiện chất lượng, an toàn và minh bạch chuỗi giá trị ngành hàng. Chuẩn hóa hoạt động giám sát, kiểm tra các cấp độ và giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng. Gia tăng minh bạch, chia sẻ thông tin giữa các bên, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu và truyền thông, quảng bá mở rộng thị trường trong và ngoài nước…

Hồ Quang