Xuất khẩu cá tra năm nay có thể đạt kỷ lục 2,5 tỉ USD

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:00, 19/10/2022

Nhu cầu sẽ hồi phục và giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường sẽ tăng trở lại để cá tra năm 2022 có thể về đích với kỷ lục xuất khẩu 2,5 tỉ USD.

Số liệu thống kê của hải quan cho thấy xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 9.2022 đạt 164 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng đột phá gấp 2-3 lần so với cùng kỳ như Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Anh, Hà Lan, Úc, Singapore... Ấn tượng hơn cả là xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức trong tháng 9.2022 tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ và xuất khẩu sang Peru tăng gấp 17 lần.

xk-ca-tra-1640843288318222621005.jpg

Tuy nhiên, các mức tăng trưởng đột phá trên không phải là tín hiệu lạc quan vì tháng 9.2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu cá tra sụt giảm xuống mức thấp nhất. Hơn nữa, thông thường hằng năm vào tháng 9 sắp vào mùa cao điểm có nhiều đơn hàng cho dịp lễ cuối năm và đón năm mới, nhưng năm nay kim ngạch cá tra tháng 9 lại thấp hơn 15% so với tháng 8. Trong đó, các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Anh, Canada, Hà Lan, Colombia đều có mức nhập khẩu cá tra thấp hơn từ 17 - 36% so với tháng 8.

Tuy nhiên, vẫn có một số thị trường có xu hướng khả quan vì kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với tháng 8. Đó là Úc cao hơn 11%, Singapore tăng 22%, Ả Rập Saudi tăng 32%, Pháp tăng 86%...

Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt gần 2 tỉ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra phi lê/cắt khúc đông lạnh mã 0304 đạt trên 1,7 tỉ USD, chiếm 87%; cá tra tươi, nguyên con mã 03 chiếm 12% đạt 235 triệu USD; còn lại là các sản phẩm cá tra chế biến chiếm 2% với 138 triệu USD.

Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cá tra 3 quý từ đầu năm nay với 589 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của Mỹ có xu hướng giảm dần, chiếm 23% với 454 triệu USD.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, 8 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu trên 96.000 tấn cá tra phi lê đông lạnh (mã HS030462), trị giá hơn 405 triệu USD, tăng 26% về khối lượng và 95% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình nhập khẩu cá tra phi lê đông lạnh vào Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 4,21 USD/kg, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù xuất khẩu sang EU vẫn tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, nhưng thị trường này chỉ chiếm 8% tổng xuất khẩu cá tra với gần 160 triệu USD. Trong đó, top 3 thị trường trong khối này gồm Hà Lan, chiếm 2,2% với trên 44 triệu USD, tiếp đến là Đức với trên 21 triệu USD và Bỉ với gần 16 triệu USD.

Khối CPTPP chiếm 13% xuất khẩu cá tra trong 9 tháng đầu năm với gần 260 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thị trường nổi trội trong khối là Mexico, chiếm 4,3% với gần 85 triệu USD, Canada 2,4% đạt hơn 47 triệu USD, Úc 1,6% đạt 30,5 triệu USD, tiếp đến là Singapore với hơn 28 triệu USD, chiếm 1,4%.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo có thể đơn hàng cá tra sẽ nhích lên trong tháng 10 bởi vì đây chính là tháng đỉnh điểm của mùa giao dịch cuối năm. Hiện nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương đang giảm, giá cá nguyên liệu đang tăng lên.

"Hy vọng, nhu cầu sẽ hồi phục và giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường sẽ ổn định hoặc tăng trở lại, để cá tra năm 2022 có thể về đích với kỷ lục xuất khẩu 2,5 tỉ USD, tăng 54% so với năm 2021", đại diện VASEP nhận định.

Tuyết Nhung