Cả thế giới chật vật bởi USD tăng giá

Chuyển động - Ngày đăng : 16:41, 19/10/2022

Tiền USD tăng giá khiến đồng nội tệ nhiều quốc gia yếu đi, góp phần đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao.

Chi phí sinh hoạt ở Cairo tăng cao đến mức nhân viên bảo vệ Mustafa Gamal phải gửi vợ và con gái 1 tuổi về sống với cha mẹ tại một ngôi làng cách thủ đô của Ai Cập hơn 100km để tiết kiệm tiền. Bản thân anh ở lại phải làm đến 2 công việc, cùng vài người khác thuê chung một căn hộ, loại bỏ thực phẩm thịt khỏi chế độ ăn.

“Giá cả mọi thứ đều tăng gấp đôi. Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác”, Gamal chia sẻ.

Nhiều người trên khắp thế giới cũng gặp khó khăn như Gamal. Một thương nhân bán phụ tùng ô tô tại Nairobi (thủ đô Kenya), một người bán quần áo trẻ em tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), một nhà nhập khẩu rượu tại Manchester (Anh)... đều than thở đồng USD khiến đồng nội tệ nước họ yếu đi, khiến đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao. Áp lực tài chính đè nặng lên vai các hộ gia đình đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực lẫn năng lượng do cuộc chiến tại Ukraine.

1000.jpeg
Nhiều đồng tiền suy yếu bởi USD tăng giá - Ảnh: AP

Theo chỉ số USD (DXY) đo lường giá trị USD so với một rổ các loại tiền tệ chính, giá trị đồng bạc của Mỹ năm nay đã tăng 18% và tháng trước đạt mức cao nhất trong 20 năm. Giới chuyên gia kinh tế lo ngại đồng USD quá mạnh làm tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới.

Đồng tiền nhiều quốc gia, đặc biệt là quốc gia nghèo khó, bị yếu đi. Rupee Ấn Độ năm nay giảm gần 10%, bảng Ai Cập giảm 20%, lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 28%.

Bán quần áo và tã trẻ sơ sinh tại Istanbul, ông Celal Kaleli cần nhiều lira hơn để mua dây kéo cùng vải lót nhập khẩu được định giá bằng USD. Vì vậy ông đành tăng giá bán. Kaleli cho biết: “Chúng tôi đang chờ đợi năm mới. Chúng tôi sẽ xem xét lại tình hình tài chính rồi tiến hành giảm quy mô cho phù hợp. Chẳng thể làm gì khác”.

Quốc gia giàu có cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tại châu Âu, giá trị đồng euro lần đầu tiên trong 20 năm thấp hơn USD, bảng Anh năm nay giảm 18%.

Thông thường các quốc gia vẫn được hưởng lợi từ việc đồng tiền yếu đi: hàng hóa họ sản xuất rẻ hơn nên cạnh tranh tốt hơn ở thị trường nước ngoài. Nhưng hiện tại khoản thu từ xuất khẩu chẳng thấm tháp vào đâu vì tăng trưởng ở hầu hết lĩnh vực khác đều kém.

Đồng USD tăng giá gây thiệt hại theo nhiều cách: khiến hàng hóa mà các nước nhập về trở nên đắt đỏ hơn, làm tăng áp lực lạm phát; doanh nghiệp, người tiêu dùng, chính phủ cần nhiều nội tệ hơn để thanh toán các khoản vay bằng USD; buộc ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất để chống đỡ đồng nội tệ cũng như để giữ dòng tiền ở lại, nhưng lãi suất cao làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Trong một khu chuyên sửa và bán phụ tùng ô tô ở Nairobi, các cửa tiệm đang gặp khó khăn, khách hàng cũng chẳng vui. Giá trị đồng tiền shilling Kenya năm nay giảm 6%, chi phí nhiên liệu lẫn phụ tùng nhập khẩu tăng cao đến mức không ít người bỏ xe cá nhân chuyển sang dùng phương tiện giao thông công cộng.

Giám đốc Công ty Shamas Auto Parts, ông Michael Gachie than thở: “Giờ là lúc tồi tệ nhất. Khách hàng phàn nàn rất nhiều”.

1000-1-.jpeg
Phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Kenya đắt hơn so với trước - Ảnh: AP

Tỷ giá tiền tệ quá chênh lệch từng gây ra thiệt hại kinh tế không ít lần. Lúc châu Á trải qua khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990, nhiều doanh nghiệp Indonesia vay bằng ngoại tệ đã bị xóa sổ khi giá trị đồng rupiah so với USD giảm mạnh. Vài năm trước, đồng peso lao dốc khiến doanh nghiệp và người dân Mexico lâm vào cảnh tương tự.

Tình hình năm 2022 đặc biệt nghiêm trọng. Đồng USD tăng giá trong bối cảnh giá cả toàn cầu đang ở mức cao. Nguồn cung năng lượng và lương thực còn hạn chế vì đại dịch COVID-19 lại chịu thêm cú sốc gián đoạn do cuộc chiến tại Ukraine.

Tại thủ đô Manila, Philippines, tài xế xe khách Raymond Manaog than thở lạm phát buộc anh phải làm việc nhiều hơn: “Chúng tôi cần kiếm đủ tiền trang trải chi phí hằng ngày. Nếu trước đây chúng tôi chạy 5 chuyến, thì bây giờ chạy 6 chuyến”.

1000-2-.jpeg
Tài xế Manaog than thở cuộc sống ngày càng khó hơn - Ảnh: AP

Tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, thương nhân Ravindra Mehta vài chục năm qua kiếm được không ít khi làm nhà môi giới cho các nhà xuất khẩu hạnh nhân và hạt dẻ cười của Mỹ. Nhưng đồng rupee yếu đi khiến hai loại hạt này trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều với người tiêu dùng Ấn.

Ấn Độ tháng 8 chỉ nhập 400 container hạnh nhân, giảm so với 1.250 container 1 năm trước. Ông Mehta cho biết: “Nếu người tiêu dùng không mua thì toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó có tôi, đều bị ảnh hưởng”.

Kingsland Drinks - một trong những nhà cung cấp rượu vang lớn nhất nước Anh, vốn đã chật vật do chi phí vận chuyển thùng chứa, chai, nắp và năng lượng tăng cao; giờ đây đồng USD mạnh làm giá rượu vang họ mua ở Mỹ, Chile, Argentina đội lên. Công ty phải cắt giảm chi phí bằng cách ký hợp đồng mua USD giá cố định, nhưng khi hết hạn hợp đồng thì tình hình sẽ rất khó khăn.

Cẩm Bình